Tags: HOTSALE , Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam , Tiki Trading
Ký Sự Đồng Quê
- Tác giả: Trương Văn Ánh
- Thể loại: Phóng Sự - Ký Sự - Bút Ký
- Availability: In Stock
$21.99
$25.00
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ấn hành tác phẩm Ký sự đồng quê của tác giả Trương Văn Ánh, quyển sách mới nhất viết về miền quê Tây Nam bộ. Ký sự đồng quê là quyển bút ký đầu tiên bằng tiếng Việt của tác giả Trương...
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ấn hành tác phẩm Ký sự đồng quê của tác giả Trương Văn Ánh, quyển sách mới nhất viết về miền quê Tây Nam bộ.
Ký sự đồng quê là quyển bút ký đầu tiên bằng tiếng Việt của tác giả Trương Văn Ánh, người có nhiều năm giảng dạy tiếng Anh và thường xuyên sử dụng tiếng Anh để viết sách, giáo trình về ngôn ngữ này.
Sinh ra và lớn lên từ đồng quê Gò Công (Tiền Giang), cậu bé Ánh không may bị bệnh và liệt một chân từ nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà cậu mặc cảm. Cậu đã cùng chúng bạn phiêu lưu trên ruộng đồng, mương bãi, trên sông, trên biển, mò cua bắt ốc, hái rau hái trái… Cậu bé Ánh đã sống trọn vẹn với đồng ruộng, với đất đai và những cơn mưa còn in dấu mãi trong tâm khảm, để rồi hôm nay, khi bồi hồi nhớ lại những vệt ký ức đó, cậu đã viết nên những trang văn Ký sự đồng quê mộc mạc, gần gũi, thân quen.
Tác phẩm Ký sự đồng quê gồm 4 phần:
- Quê nội: Tác giả mở đầu sách bằng những câu chuyện về dòng họ Trương của mình từ nơi thâm u rừng thiêng nước độc của xứ Gò Công, với cái chết của cố tổ vào một chiều hôm; cái chết này dự báo cho hàng loạt biến cố sau đó xảy ra với dòng họ, vắt dài qua thời chiến tranh… Lối viết của tác giả đầy tính truyện, hấp dẫn, pha trộn được cảm hứng cá nhân với cảm hứng lịch sử.
- Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng: Mượn hình ảnh "còng" và "rẫy" từ lời ru Nam bộ, Trương Văn Ánh viết về sản vật xứ Gò Công với những món như món mắm ba khía, đặt đó (một dụng cụ để bắt tôm cá), bắt lươn, bắt cua… từ đó cho thấy sự trù phú của sản vật miền Tây sông nước.
- Hương vị quê nhà: Nói đến miền Tây Nam bộ mà không nói đến tập tục ăn uống là thiếu sót lớn. Trương Văn Ánh đã dành nhiều trang viết về các món quê, trong đó có món đã thất truyền như món gỏi da cá đuối do ba má của tác giả làm; bên cạnh đó là nhiều món ăn trong đám giỗ, món bánh xèo gắn liền với tuổi thơ nghèo đói…
- Còn thương rau đắng mọc sau hè: Ở phần này, tác giả viết về các loại rau dại, cây trái quê hương như trái bần, rau đắng, lá me non, trái keo ù… Mỗi loại cây, loại lá đều gắn với những câu chuyện tuổi thơ dễ thương của tác giả, đó là những ngày trèo cây hái trái, đợi đến mùa rau càng cua hái bán cho cô Hai San để phụ đóng tiền học cho ba má…
Hiện lên trên mỗi trang văn của Trương Văn Ánh là tình yêu dạt dào dành cho quê hương xứ sở. Mỗi loại cây, con vật, tác giả đều dùng lối miêu tả tỉ mỉ để thủ thỉ, tâm tình với người đọc. Cái đặc sắc trong trang viết của Trương Văn Ánh đó là tác giả miêu tả như thực đặc tính, cách thức sử dụng mang đậm tính vùng miền, ví dụ như cái ghế nhổ mạ, vốn bây giờ trở nên lạ lẫm với thế hệ trẻ mà phải xuôi về các miệt vườn, miền quê ở miền Tây, hỏi những người lớn tuổi có kinh nghiệm về vật dụng này may ra họ còn nhớ. Những ký ức đó, có cái đã biến mất, có cái hòa vào dòng chảy thời hiện đại, được tác giả viết hết sức sống động, gợi cảm giác như những điều xưa cũ chưa bao giờ là cũ…
Trong lời giới thiệu tác phẩm, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, học trò của Trương Văn Ánh, nhận xét: "Quyển sách này là ký ức của một thời nghèo khó, gian khổ nhưng được viết bằng một thứ văn trong sáng, giản dị. Tôi tin rằng, bất cứ ai, khi đọc quyển sách này, sẽ có thêm ngồn vui sống… Một khi chúng ta còn yêu thương, trân trọng những món ăn dân dã, những tập tục giản dị như những gì hiện lên da diết trong quyển sách này, chúng ta còn hy vọng về một tương lai mà nơi ấy con người trân quý con người và thiên nhiên vạn vật nhiều hơn nữa".
***
*Trích đoạn tiêu biểu:
1. "Ba khía vốn là loài cua rừng, sống ở các bãi bùn hay bãi bồi của vùng sông nước ngập mặn hay nước lợ, kéo dài từ Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh qua Gò Công, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà M Chúng đặc biệt sinh sống nhiều nhất ở Cà Mau. Tuy nhiên, nói trong phạm vị rộng lớn là Cà Mau nhưng cụ thể phải ở vùng Rạch Gốc của nơi này thì ba khía mới ngon và hương vị độc đáo nhất. Khi những lưu dân đầu tiên đến vùng rừng Bạc Liêu, Cà Mau, thấy loài cua này sống chui rúc dưới các gốc mắm, đước, bần, trên mu (mai) có ba gạch (vệt) nên họ gọi là ba khía".
(Trích bài Hoài niệm mắm ba khía)
2. "Những cơn mưa đầu mùa vừa dứt vài ngày, ở các bụi tre, lùm cây rậm rạp, ít ánh nắng, rau tiêu hay còn gọi là rau càng cua mọc thành ề dày đặc. Chờ khoảng một tuần sau, rau càng cua vừa đúng lứa với những chiếc lá xanh tròn, thân trắng mềm chứa đầy nước. Tôi phải dùng rổ hay thúng cứng để chứa loại rau này, vì chúng mềm và dễ bị đè bẹp. Nếu không mau phát hiện, để quá lứa, rau sẽ ra bông và có những hạt nhỏ. Rau lúc đó đã quá già, ăn rất dở. Rau càng cua non, khi bóp giấm (trộn giấm), trộn với cua có gạch thì rất ngon. Ngoài ra, rau càng cua được dùng làm rau sống ăn kèm với nhiều loại thức ăn khác. Lần nào đem bán cho cô Hai San, cô cũng rất niềm nở và dặn dò nhiều lần, ngày hôm sau nhớ tìm hái tiếp để bán cho cô nha. Bởi vì, những người sành ăn ngoài chợ như những ông chệt (người Hoa) rất thích ăn loại rau này. Khi cô “bắn tiếng” là họ đến mua ngay, có bao nhiêu cũng hết".
(Trích bài Mùa rau càng cua)
***
*Toàn bộ lời giới thiệu Ký sự đồng quê của Nguyễn Phan Quế Mai:
Hoài niệm rạ rơm để bồi đắp tình người
(Đôi lời thưa cùng bạn đọc)
Cảm ơn bạn cầm trên tay quyển sách Ký sự đồng quê – quyển bút ký sống động, đầy cảm xúc của tác giả Trương Văn Ánh. Sinh ra và lớn lên ở Gò Công, tác giả đã chắt chiu tình yêu với quê hương, gia đình, thiên nhiên, vạn vật để viết nên Ký sự đồng quê. Qua mỗi trang sách, bạn sẽ được đắm chìm trong những cuộc phiêu lưu với từng nhịp đập - hơi thở của sông nước miền Tây. Những cuộc phiêu lưu này đã thay đổi cuộc đời của tác giả.
Vào giữa những năm 1960, ở Gò Công, trong căn nhà nhỏ có ba thế hệ cùng trú ngụ, một cơn sốt đã quật ngã cậu bé Ánh. Không may mắn, cậu đã bị nhiễm polio – loại vi-rút gây chứng bại liệt. Một trong những ký ức tuổi thơ của cậu bé Ánh là bị người khác coi thường. Thay vì gọi cậu bằng “Ánh” - một cái tên tượng trưng cho ánh sáng mà cha mẹ đã đặt cho cậu, người đời đã gán cho cậu biệt danh “thằng què”. Nhưng cậu bé Ánh luôn nhủ phải tự đứng dậy trên đôi chân không lành lặn của mình. Cậu quyết tâm sẽ sống một cuộc sống tự lập, đầy ắp niềm vui. Cậu bắt đầu những cuộc phiêu lưu của riêng mình ở vùng sông nước Gò Công: phiêu lưu trên đồng ruộng, trên sông, trên bãi biển, trong những cánh rừng ngập mặn, Những cuộc phiêu lưu ấy đã giúp cậu bé và gia đình mưu sinh, đồng thời cũng mở ra những trang sách mới cho cuộc đời cậu: cậu học cách trân quý thiên nhiên, vạn vật, những món ăn dân dã, những phong tục tập quán quê hương. Trải nghiệm đó đã giúp cậu bé Ánh có thêm tự tin, nghị lực, để cậu có thể tìm lại được chính mình. Và cậu miệt mài học hỏi, miệt mài bồi đắp kiến thức.
* * *
Sau tám năm đèn sách, thầy Trương Văn Ánh hai lần tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tổng hợp TP. HCM, chuyên ngành tiếng Nga và tiếng Anh. Học xong, thầy xung phong về Minh Hải (Bạc Liêu bây giờ) – một vùng đất xa ngái, tận cùng của miền Tây để dạy học. Quyết định của thầy đã thay đổi cuộc đời nhiều thế hệ học trò ở đây, trong đó có tôi.
Tôi may mắn gặp được thầy Ánh vào năm 1987, khi đang học lớp 8. Đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất của gia đình tôi. Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, tôi lục tục dậy, cất tép trong ao quanh bãi tha ma gần nhà. Mấy cái mả nằm im giữa đám cỏ um tùm. Sợ hãi bủa vây. Hừng đông, tôi về nhà, ăn sáng trong vội vàng rồi buộc mấy bó rau muống vào sau chiếc xe đạp cọc cạch, tranh thủ bỏ mối trên đường đến trường. Giữa cuộc sống nhọc nhằn ấy, tôi khát khao thay đổi số phận của mình… Rồi thầy đến! Thầy mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo mỗi tối. Tôi biết ngôn ngữ ấy chính là chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới. Và vì thế, tôi vội vàng đăng ký theo học lớp tiếng Anh miễn phí của thầy.
Một lần, đến thăm thầy tại căn phòng thuê nhỏ xíu, tôi và các bạn xót xa khi thấy thầy đang chuẩn bị bữa tối: một niêu cơm nhỏ, đĩa rau muống luộc và chén nước mắm. Thầy nghèo lắm, sao lại từ bỏ những cơ hội kiếm tiền để về xứ “khỉ ho cò gáy” với lũ trẻ nghèo rớt mùng tơi? Thế là chúng tôi về nhà xin tiền, lén bỏ vào cặp của thầy. Buổi học hôm sau, thầy vào lớp, không nói, không cười. Mỗi giây trôi qua nặng nề như thể kim đồng hồ bị một tảng đá nào đó níu lại. Lặng im một lát, thầy tuyên bố giải tán lớp vì chúng tôi “đã trả tiền học cho thầy”. Chúng tôi òa khóc nức nở. Thầy nói: “Các em có biết rằng thầy dạy cho các em cũng chỉ vì thầy biết các em rất nghèo nhưng ham học hay không?” Rồi thầy trả tiền lại cho chúng tôi, bảo rằng chỉ tiếp tục dạy khi chúng tôi nhận lại tất cả số tiền và hứa với thầy không bao giờ làm như vậy nữa.
Tôi trở thành một trong những học sinh may mắn được thầy kèm cặp. Không chỉ trang bị kiến thức, thầy còn đem lại cho chúng tôi niềm tin vào con người. Thầy là điểm tựa vững chắc cho chúng tôi. Thầy dạy chúng tôi nhân cách, lòng vị tha, tính giản dị, khiêm nhường và tinh thần tìm tòi, học hỏi.
Tôi nhớ có một lần, khi tôi và các bạn đang ngồi học ở nhà thầy, bất chợt hàng xóm buông ra những lời xúc phạm đến thầy. Họ gọi thầy bằng những lời miệt thị, chế giễu đôi chân không lành lặn của thầy. Lòng tôi dâng lên sự tức giận tột cùng. Dù còn nhỏ, tôi biết những lời nói có thể giết chết một con người. Tuy nhiên, thầy không hề giận dữ. Thầy nhìn chúng tôi, cười hiền và nói: “Bỏ qua cho họ đi các em. Hãy học, học thật giỏi, để các em có thể trở thành đôi chân của thầy. Hãy đi và trải nghiệm thế giới giúp cho thầy”… Tôi đã ứa nước mắt khi nghe thầy nói những lời tâm huyết đó. Và tôi tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa, cho mình và cả cho thầy. Thầy đã đem ánh sáng tri thức và lan tỏa sự quyết tâm vượt khó đến cho rất nhiều thế hệ. Riêng tôi, lớp học tiếng Anh ở thị xã nhỏ bé ngày xưa ấy đã giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của ngôn ngữ này, để rồi tôi trở thành tác giả viết bằng tiếng Anh, song song với tiếng Việt. Tôi đã đi trải nghiệm thế giới theo lời thầy
Cho đến hôm nay, thầy vẫn lặng lẽ, miệt mài vun đắp cho những thế hệ học sinh ở mọi miền đất nước. Thầy có nhiều đóng góp quan trọng cho các nghiên cứu khoa học, là tác giả của nhiều bộ sách dạy và học tiếng Anh được các nhà xuất bản uy tín in và phát hành rộng rãi.
* * *
Khi cầm trên tay bản thảo Ký sự đồng quê của thầy Ánh, tôi vô cùng xúc động. Xúc động là bởi tôi nhận thấy ánh sáng ngập tràn các trang sách: ánh sáng của tình yêu cho quê hương xứ sở, cho thiên nhiên vạn vật, cho các hoạt động chân lấm tay bùn. Quyển sách này là ký ức của một thời nghèo khó, gian khổ nhưng tuyệt nhiên không có một lời than vãn nào.
Tôi tin rằng, bất cứ ai, khi đọc Ký sự đồng quê sẽ thêm trân quý cuộc sống, con người, thiên nhiên. Những câu chuyện trong sách không chỉ là từng con đò chở người đọc trở về quá khứ mà còn là di sản để thế hệ mai sau có thể nâng niu, tiếp tục giữ gìn. Và hoài niệm rạ rơm còn là để hoài niệm về con người - những thứ họ may mắn được hưởng từ mẹ thiên nhiên và đã sống trọn vẹn với nó, sinh ra và chết đi giữa bầu thiên nhiên.
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai
***
*Đôi nét về tác giả: Trương Văn Ánh sinh năm 1962 tại Gò Công, Tiền Giang. Ông tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ , Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM). Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Sau nhiều đầu sách về tiếng Anh, Ký sự đồng quê là tác phẩm tiếng Việt đầu tay của Trương Văn Ánh.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....