- - - - - -
Họa sĩ Uyên Huy tên thật là Huỳnh Văn Mười. Ông từng theo học Trường Mỹ thuật Gia Định Sài Gòn từ năm 1964 đến 1974. Từ năm 1975 đến nay, ông giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Khoa Hội họa, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng. Hiện ông còn là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong suốt 39 năm tham gia giảng dạy, vừa sáng tác, vừa làm công tác quản lý nhưng từ những trải nghiệm thực tiễn, từ thực tế tài liệu giảng dạy về mỹ thuật hiếm hoi, nên họa sĩ Uyên Huy luôn là người trăn trở, tâm huyết và chú tâm với việc nghiên cứu về lý luận. Ông đã viết nhiều tham luận, tư liệu về mỹ thuật tham gia các cuộc hội thảo mỹ thuật trên toàn quốc, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và là tác giả của hàng chục đầu sách mỹ thuật đã xuất bản: Tuyển tập logo và các kiểu thương hiệu; Đi tìm logo đẹp; Phương pháp trang trí hình tròn; Màu sắc và phương pháp sử dụng; Vấn đề cơ bản của hình họa… Bộ VH-TT-DL cũng đã nghiệm thu hai giáo trình giảng dạy của ông: Nghệ thuật thiết kế hai chiều; Các yếu tố thị giác, nguyên lý thị giác và tư duy thị giác… Một số sách của ông sắp được xuất bản như: Nghệ thuật trang trí; Phương pháp thiết kế poster Chính trị & Quảng cáo; Phương pháp thiết kế bao bì; Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975…
Họa sĩ Uyên Huy quan niệm: “Nghệ thuật không phải là trò chơi và người nghệ sĩ chân chính suốt đời vì nghệ thuật không bao giờ chấp nhận “sân chơi” trong lĩnh vực này…”. Theo ông, cảm xúc sáng tạo phải đi đôi với sự kiểm soát của lý trí và lao động nghệ thuật. Đầu tư cho các công trình nghiên cứu, không chỉ để phục vụ công tác giảng dạy, ông còn muốn tất cả mọi người có thể hiểu đúng về nghệ thuật tạo hình.
10 năm ấp ủ một đề tài
Ý tưởng về một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống và tổng hợp về Phương pháp tư duy và thực hành bố cục mỹ thuật đã theo đuổi họa sĩ Uyên Huy trong suốt 10 năm trời. Gắn bó với công tác giảng dạy nhiều năm, ông có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được nguyện vọng và mong muốn có được tư liệu học tập và giảng dạy của giảng viên và sinh viên mỹ thuật. Hơn nữa, loại sách này ở Việt Nam dường như chưa có, nếu có thì cũng rất sơ sài và chưa thành hệ thống.
Với 10 chương, hơn 400 trang in và minh họa, cuốn sách giới thiệu những vấn đề về tư duy và thực hành bố cục mỹ thuật rất thực tế. Tác giả đã phân tích rất cụ thể nhiều tác phẩm từ mỹ thuật hai chiều, mỹ thuật ba chiều, mỹ thuật môi trường… trong các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, đồ họa tạo hình, thiết kế đồ họa, kiến trúc, thời trang… Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những ví dụ minh họa sinh động, những phân tích dễ hiểu qua các tác phẩm của các danh họa thế giới như: P.Picasso, Rodin, H.Matisse, Lim Khim Katy, Cézane, Rembrandt, F. Goya, V. Van Gogh… và của các họa sĩ nổi tiếng trong nước như Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Tạ Tỵ, Tú Duyên, Nguyễn Siên… Một số ứng dụng về bố cục trong kiểu dáng thiết kế công nghiệp, logo của các thương hiệu, trong thiết kế thời trang… được tác giả thể hiện sinh động, gần gũi và mang tính ứng dụng cao.
Công trình được giới chuyên môn đánh giá cao và à một công trình nghiên cứu tổng hợp công phu, cần cho giới mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế công nghiệp và những người muốn tự học về mỹ thuật. Cách trình bày hiện đại, cách giải thích dễ hiểu và sau mỗi phần phân tích đều có phần tóm tắt để giúp bạn đọc dễ nhớ.
Chuẩn bị cho sự kiện trọng đại kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường, trong 2 năm qua, họa sĩ Uyên Huy đã tập trung tâm trí và sức lực để hoàn thành cho kịp cuốn sách. Ông chia sẻ: “Là cựu sinh viên và là giảng viên của trường, tôi muốn hoàn thành công trình vào thời điểm đầy ý nghĩa này như là một hành động nhớ ơn thầy cũ, trường xưa”.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....