Cuốn sách nhỏ này được viết ra nhằm chia sẻ cùng bạn đọc những kiến thức cơ bản về triết học, trả lời những câu hỏi muôn thuở mà loài người đã đặt ra: Triết học ra đời như thế nào? Bản chất của triết học? Tiến trình vận động của lịch sử triết học? Triết học đóng vai trò gì trong đời sống chính trị - xã hội?
Trả lời đúng những câu hỏi trên giúp bạn có cơ sở lý luận để học tập và nghiên cứu một môn học mà đa số sinh viên đều “sợ”, do vậy phát sinh tâm lý chung là “ngại ngần và ngao ngán” khi trả thi môn học này.
Thêm vào đó, đây là khoa học mà tư duy cần thao tác để giải quyết những vấn đề “ở tầm vĩ mô” cũng như vấn đề “đang có vấn đề” dựa trên thao tác những khái niệm trừu tượng, nên khó hiểu, khó học thuộc lòng như các môn học khác trong chương trình đại học.
Nhìn từ quan điểm trừu tượng hóa khoa học, có thể thấy, triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, sản phẩm tinh thần của dân tộc và thời đại. Việc tìm hiểu nguồn gốc, bản chất, lịch sử phát triển của triết học giúp ta hiểu biết, ghi nhận, phân tích và luận giải về trình độ tư duy loài người trong từng giai đoạn lịch sử. Qua đó, tạo cơ sở khoa học nhận định về vị trí, vai trò và chức năng của triết học để có phương án thiết lập thái độ thích hợp trong học tập, nghiên cứu, định hướng phát triển môn học này trong tương lai - khi đời sống vật chất xã hội dồi dào, lẽ dĩ nhiên nhu cầu về hoạt động tinh thần sẽ gia tăng.
Với tư cách là một người nghiên cứu và giảng dạy triết học hơn 40 năm trên giảng đường đại học, tác giả cố gắng viết đơn giản, dễ hiểu nhất về nội dung mà những câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra để bạn đọc có một cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, qua đó có thêm tình yêu đối với môn học.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho bạn những kiến thức cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận trong nhận thức và cải tạo thế giới, đồng thời tạo nguồn cảm hứng để bạn sống có ý nghĩa nhân văn và tăng cường trách nhiệm xã hội, nâng tầm giá trị sống trong một thế giới phức tạp, bộn bề công việc và đang thay đổi khôn lường với một tốc độ chóng mặt.
“Triết học chỉ nảy sinh ở những quốc gia, dân tộc kinh tế phát triển, cho phép người ta có thể thoát ly khỏi những ưu tư, lo lắng thiển cận cụ thể hàng ngày như miếng cơm, manh áo, để suy tư mặc tưởng về những vấn đề lý luận trừu tượng xa xôi hơn như vũ trụ, tự nhiên, nhân tình, thế thái làm cho đời sống nhân sinh trở nên sinh động, đa dạng, vượt trội so với các loài vật chỉ biết thỏa mãn bản năng sinh học và nhu cầu ăn uống thông thường.”
“Mục đích của triết học là nhận thức nguyên nhân sinh thành, lý do tồn tại của vạn vật trong vũ trụ, trong đó trọng tâm là vấn đề con người với đời sống đa dạng, phức tạp của nó. Việc nhận thức đó chủ yếu nhờ vào lý tính và các luận cứ duy lý, đồng thời dựa trên sự trợ giúp của kinh nghiệm, bằng chứng khoa học tự nhiên chứ không tin vào niềm tin mù quáng, sự tưởng tượng chủ quan.”