Tags: Nguyễn Thị Ái Tiên , Nguyễn Đỗ An Nhiên , Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam

Hiến Đăng Sứ

$22.99

Tên tác phẩm: Hiến đăng sứ Thể loại: tập truyện ngắn; Số trang: 296 trang; Khổ: 14,5x20,5cm Tác giả: Yoko Yawada Dịch giả: Nguyễn Thị Ái Tiên và Nguyễn Đỗ An Nhiên Giá sách: 135.000 đồng Mã ISBN: 9786044723617 Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành trên toàn...

Tên tác phẩm: Hiến đăng sứ
Thể loại: tập truyện ngắn; Số trang: 296 trang; Khổ: 14,5x20,5cm
Tác giả: Yoko Yawada
Dịch giả: Nguyễn Thị Ái Tiên và Nguyễn Đỗ An Nhiên
Giá sách: 135.000 đồng
Mã ISBN: 9786044723617
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành trên toàn quốc cuối tháng 8 năm 2023.
***

Nội dung:
Yoko Tawada là cái tên nổi bật hiện nay trên văn đàn thế giới. Nhiều tác phẩm của cô được các nhà phê bình nước ngoài đánh giá là pha trộn nhuần nhuyễn giữa chất siêu thực và hiện thực, phá vỡ ranh giới giữa thực và ảo, giữa lý tính và cảm tính… Không có một điều gì là cố định trong ánh nhìn của Yoko Tawada. Mọi thứ lấp lánh, xóa nhòa và trộn lẫn vào nhau – từ chữ nghĩa đến hình ảnh; từ biểu tượng đến cấu trúc…

Tên tuổi của Yoko Tawada được độc giả Việt Nam biết tới qua cuốn Mắt trần, nay Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tiếp tục giới thiệu Hiến đăng sứ – một tác phẩm sẽ dẫn độc giả vào thế giới của Yoko Tawada với những huyễn hoặc, lạ lẫm, những ẩn dụ và hiện thực lạ lùng bậc nhất.

Hiến đăng sứ xuất bản lần đầu tại Nhật năm 2014. Thuộc thể loại viễn tưởng, phản địa đàng nhưng khi đọc Hiến đăng sứ lại có cảm tưởng như tác giả đang viết truyện hiện thực đang xảy ra ở nước Nhật. Tác phẩm gồm 4 truyện ngắn và 1 vở kịch, đặt trong bối cảnh Nhật Bản trải qua một cơn thảm họa, khiến cuộc sống bị đảo lộn, hiện tượng đột biến diễn ra khắp nơi, và nước Nhật đóng cửa. Bản thân tên tác phẩm cũng có thể gây nhiều tò mò lẫn khó hiểu cho độc giả. “Hiến đăng sứ” có nghĩa là sứ giả, được tuyển chọn ra để thực hiện một sứ mệnh nào đó. Âm đọc của chữ này đồng âm với Khiển đường sứ trong tiếng Nhật, cùng là “kentoshi”. Khiển đường sứ là các đoàn ngoại giao Nhật được cử sang nhà Đường của Trung Hoa để nhập biến văn minh của họ vào thế kỷ thứ 7. Ngay tựa truyện đã chứa đựng điển tích.

Truyện đầu tiên và cũng dài nhất, “Hiến đăng sứ”, kể về một nước Nhật điêu tàn, người già không thể chết được, cứ sống hoài đến mức quên luôn cả ý niệm chết. Dường như, mục đích sống duy nhất của họ là nhằm nuôi nấng, bảo bọc thế hệ trẻ đang bị bệnh tật và chết yểu ngày một nhiều. Lúc này, Nhật Bản phong tỏa cả nước, đồng thời các quốc gia khác cũng ngừng giao thương, hợp tác với Nhật. Tác giả miêu tả các vấn đề của nước Nhật thông qua góc nhìn của ông Yoshino và chắt của ông, Mumei. Nhật Bản muốn thoát khỏi nguy cơ đất nước sẽ biến mất, đã lập ra chương trình “Hiến đăng sứ” – chọn lọc và đưa một số trẻ em ra nước ngoài để nghiên cứu và tìm cách cải thiện cho thế hệ tương lai, thắp lên tia hy vọng cho nước Nhật đang bế quan tỏa cảng khỏi các quốc gia khác trên thế giới.

Truyện tiếp theo, “Vi đà hộ pháp ở bất kỳ đâu”, Yoko Tawada kể về mối quan hệ đồng tính của hai người phụ nữ khi nước Nhật xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Truyện như cuộc chơi chữ, từ đó bóc tách những tầng sâu trong tâm lý nhân vật. Truyện thứ ba, “Đảo bất tử”, được sáng tác với lối kể chuyện đan lồng giữa điểm nhìn cá nhân (nhân vật xưng “tôi”) với điểm nhìn khách quan nhằm kể về một nước Nhật bị ảnh hưởng phóng xạ nặng nề. Nhật Bản từ vị trí là một quốc gia được tôn trọng trở thành một đất nước với cái tên bị ghê sợ, gắn liền với “nhiễm độc”. Truyện thứ tư, “Bên kia bờ hạnh phúc”, kể về nước Nhật nơi người dân lần lượt rời khỏi. Truyện được kể dưới góc nhìn của Sede (một cựu thượng nghị sĩ), thông qua đó, ta thấy được nỗi lo lắng của tác giả về việc danh tính Nhật Bản có thể bị biến mất. Cuối cùng là vở kịch “Tháp Babel của các loài vật”, trong đó các loài vật biết nói về sự tồn tại của chúng trong thế giới không còn bóng dáng của con người…

Các nhân vật “tới hay lui cũng chừng ấy mặt người” nhưng Yoko Tawada đã đặt để họ vào trong những không gian khác nhau liên tục, họ chưa bao giờ đứng yên. Thế giới của cô - từ thực vật, đồ vật đến con người - dường như đều bị “đồng nhất” về tính chất: cái này có thể trở thành cái kia, ta có thể trở thành nó, nơi này có thể nhập/tách vào nơi kia. Lạ hóa tính chất của sự vật - hiện tượng được Yoko Tawada phát huy tối đa qua các trang văn. Và cũng chính thủ pháp này đã phác thảo nên một nước Nhật trong tâm tưởng của cô như đang trên bờ vực của sự sụp đổ, trượt dài với tốc độ đau lòng…

Dưới lớp vỏ ngôn từ của nữ văn sĩ này, mọi thứ nhòe mờ ranh giới, chúng xoắn quyện và đan lồng vào nhau, tạo nên một hình thức cực uyển chuyển, nó đối lập hoàn toàn với hiện thực khốc liệt mà cô vẽ nên, khiến cho Hiến đăng sứ trở thành một tác phẩm lạ lùng nhưng hấp dẫn.

Với độc giả từng đọc qua các tác phẩm phản địa đàng u ám nhất – như Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood, 451 độ F của Ray Bradbury hay Người máy có mơ về cừu điện không? của Philip K. Dick (và hàng tá quyển kinh điển khác) – sẽ bắt gặp lại trong Hiến đăng sứ của Yoko Tawada sự biến ảo của một cây bút tài năng, “phù thủy” có khả năng hư cấu nên những biểu tượng đầy ám ảnh, vô cùng phi lý. Và cũng như những văn tài đang lo lắng và phần nào đó tiên tri về xã hội loại người đầy bắc trắc, thông qua Hiến đăng sứ Yoko Tawada nhìn thấy một nước Nhật u ám, bất định. Nhưng sự lo lắng của cô không thuần túy dựa trên một trào lưu văn học hay thuần văn học nào, mà nó xuất phát từ điều duy nhất: tình yêu của cô đối với nước Nhật, yêu thâm trầm và say đắm.

Hiến đăng sứ là một tác phẩm phản địa đàng đầy mê hoặc, được viết với giọng điệu điềm tĩnh như không, không có gì cố tình gây sốc, chỉ là biến cái bình thường thành kỳ lạ và kỳ lạ thành bình thường. Chính điều đó sẽ hấp dẫn độc giả ngay khi lật mở những trang đầu tiên.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu với quý độc giả Hiến đăng sứ.

Tác phẩm Hiến đăng sứ của Yoko Tawada được phát hành trên toàn quốc cuối tháng 8/2023.

Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả!

Về tác giả:

Tiểu thuyết gia Yoko Tawada sinh năm 1960 ở Nhật; sinh sống và sáng tác tại Đức.
Cô sáng tác bằng tiếng Đức và tiếng Nhật. Trong văn nghiệp của mình, cô nhiều lần được trao các giải thưởng như: giải Gunzo (dành cho những nhà văn mới phát hiện) với tác phẩm đầu tay Chú rể chó năm 1991; với Chú rể chó, cô được trao giải thưởng danh giá Akutagawa vào năm 1993; năm 2003, cô được trao giải Tanizaki cho tác phẩm Nghi phạm trên chuyến tàu đêm; giải Sách Quốc gia Mỹ ở hạng Văn học dịch năm 2018…

Ở Đức, cô nhận giải Chamisso vào năm 1996; Huy chương Goethe vào năm 2005; giải văn học Kleist năm 2016; sau đó hai năm, cô nhận Huy chương Carl Zuckmayer vì những cống hiến cho ngôn ngữ Đức trong sáng tác…

Trích đoạn:
1. Thời trẻ, mỗi khi được hỏi về nhạc sĩ yêu thích, nhà thiết kế yêu thích, loại rượu vang yêu thích này kia, ông đều tâm đắc trả lời ngay. Ông cho rằng sở thích của mình thú vị, và tốn tiền bạc lẫn thời gian để mua đủ những sản phẩm chứng minh cho điều đó. Giờ thì ông không còn sử dụng sở thích như những viên gạch để xây nên ngôi nhà có tên là cá tính nữa. Mang giày như thế nào là vấn đề quan trọng, nhưng ông cũng không còn chọn giày để phô diễn bản thân nữa. Đôi giày Idaten ông đang mang là loại mới được hãng Tengu bán gần đây, mang êm, thoải mái vô cùng, như dép rơm vậy. Hãng Tengu có trụ sở chính ở tỉnh Iwate, trong đôi giày có dòng chữ “Iwate Ma-de” viết bằng bút lông. Chữ “ma-de” này là cách diễn đạt có được từ cách hiểu của một thế hệ không còn học tiếng Anh, tự mình hiểu theo nghĩa “made” trong “made in Japan”.
(Trích truyện Hiến đăng sứ)

2. Chiếc xe buýt tiếp tục chạy, dù bên trong xe tối om, không một tiếng trò chuyện nhưng vẫn đầy hơi người. Người ngáy khò khò, người đổ mồ hôi, người gõ email trên điện thoại. Ít nhiều có phiền nhiễu chiếc mũi và đôi tai nhưng Ichiko và bé Ten dịu dàng cọ mặt vào nhau, vòng một cánh tay quấn thân mình người kia, tay còn lại nhiệt tình tìm kiếm cơ thể nhau. Từ trước đến nay, cả hai chưa từng cho tay vào cơ thể người khác sâu đến như thế. Ví dụ, nếu có chữ “Đông (東)” ở đó thì việc không đụng chạm gì vào bên trong chữ là phép lịch sự đối với chữ Hán. Thế nhưng, bé Ten thọc tay vào tận bên trong chữ khẩu (口) của chữ To (東) trong Toda (東田), nắm lấy thanh ngang trông có vẻ ngon lành ở đó như muốn kéo ra ngoài. “Không được đâu, không được đâu” – Ichiko hổn hển. Để lấy lại thứ bị cướp đi, đến lượt Ichiko cho tay vào tận nơi hai chân giao nhau của Toko, cái tên quê mùa ẩn sau biệt danh dễ thương của “bé Ten”, cô nắm lấy thanh dọc trong “To (十)” , vừa lắc vừa kéo về phía mình. Thế là, cái thanh lẽ ra đã cứng đờ bị sút ra, bé Ten “ự” một tiếng rồi oằn người lại. Hai người họ, cướp, cướp lẫn nhau, thay đổi thể chữ, thay đổi số nét, nếm trải trọn vẹn khoái lạc kỳ lạ mà chỉ có chữ Hán mới có thể đem lại cho họ. Chẳng bao lâu sau đó, bản thân họ không còn biết ai là Toda Ichiko (東田一子), ai là Tsukada Toko (束田十子).
(Trích truyện Vi đà hộ pháp ở bất kỳ đâu)

Lời khen:

1. “Hiến đăng sứ của Yoko Tawada viết bằng tiếng Nhật. Một tiểu thuyết giả tưởng phản địa đàng lấy bối cảnh Nhật Bản trong tương lai sau thảm họa khiến đất nước này cắt đứt với toàn bộ thế giới bên ngoài, nơi người già càng ngày càng khỏe mạnh, sống mãi, còn trẻ con sinh ra đã bị khuyết tật và dần chết yểu. Được so sánh với Một nỗi đau riêng của Oe Kenzaburo, Hiến đăng sứ, như Nxb. New Directions giới thiệu, là ‘một chiêm nghiệm hóm hỉnh ngoạn mục về sự hữu tử’…” ― Quyên Nguyễn, Zzz Review

2. “Một sự khắc khoải huyền hoặc về mối quan hệ căng thẳng giữa loài người với công nghệ và thế giới tự nhiên.” ― Brian Haman, Asian Review of Books (Hồng Kông)

3. “…Tiểu thuyết này của Yoko Tawada tràn ngập sự lo lắng thường trực rằng ‘xã hội đang trượt đi với tốc độ của những viên sỏi lăn xuống một ngọn đồi dốc’, tuy vậy, cô ấy lại tưởng tượng ra một thế giới đổ nát với sự hài hước, duyên dáng.” ― Publishers Weekly (Mỹ)

4. “Sự bí ẩn dai dẳng là điều rất mê hoặc khi nói về phong cách viết của Tawada. Sự mỉa mai sâu sắc và chủ nghĩa siêu thực đến mức chết chóc của cô ấy làm xáo trộn mọi quan niệm của chúng ta về một đất nước để mang đến một câu chuyện dị thường. Một tác phẩm hấp dẫn được viết nên từ một tư duy hấp dẫn.” ― Kirkus Reviews (Mỹ)

5. “Hiến đăng sứ dẫn dắt chúng ta vượt ra mọi giới hạn của con người, để nhắc nhớ chúng ta những gì phải trân trọng nhất trong thế giới đang xung đột này, cũng như trong nhân loại.” ― Sjón (tiểu thuyết gia, nhà thơ người Iceland)

6. “Đẹp tựa trăng sao. Ngôn ngữ của cô ấy chưa bao giờ hấp dẫn đến thế – sáng rực đến mức lấp lánh.” ― Parul Sehgal, The New York Times (Mỹ)

7. “Một tiểu thiên anh hùng ca về khủng hoảng sinh thái, chính kịch gia đình và giả tưởng tự biện. Mối quan tâm của Tawada vừa châm biếm nhưng cũng vừa bi kịch [] Chính cách nhìn có phần lạ hóa đến mức lệch lạc này, giữa hiện thực có phần nghiệt ngã nhưng được mô tả qua ngôn ngữ uyển chuyển, đã khiến Hiến đăng sứ trở thành quyển sách độc nhất vô nhị.” ― The Guardian (Anh)

8. “Một tác phẩm phản địa đàng đẹp một cách dung dị về cái chết. Văn phong kỳ lạ và khả năng chuyển từ chủ nghĩa hiện thực sang trừu tượng của Tawada vừa gay gắt phê phán nhân loại vì đi trên con đường hướng tới sự diệt vong, vừa nhìn một cách hi vọng vào tương lai vô định.” ― Enobong Essien, Booklist (Mỹ)

9. “Như một bức tranh phong cách Hieronymus Bosch, nhưng trong hình thức tiểu thuyết. Chủ nghĩa siêu thực cuốn hút của Tawada đã làm cho tác phẩm của c ô khác lạ và mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nhờ có sự tỉ mỉ, chính xác và độc đáo tr ong tâm trí cô…” ― Marie Mutsuki Mockett, Public Books (Mỹ)

10. “Khắp mọi chốn trên đất nước Nhật Bản trong Hiến đăng sứ của Yoko Tawada, những đột biến kỳ lạ đã diễn ra. Suốt nhiều năm trời (có thể là hàng thập kỷ, hoặc nhiều thế hệ) kể từ khi thảm họa môi trường xảy ra, các nguyên lý cơ bản của sinh học đã bị phá vỡ. Trẻ em sinh ra yếu ớt, với bộ xương giống như xương chim và răng mềm. Ngược lại, người già lại khỏe mạnh, nhanh nhẹn và dường như đã bị tước đi khả năng chết. Nam giới bắt đầu trải qua các triệu chứng mãn dục khi có tuổi. Giới tính của mọi người thay đổi một cách ngẫu nhiên và không thể giải thích được, ít nhất một lần trong đờ Tawada đã mang đến một chủ nghĩa hiện thực mới hấp dẫn về Kỷ Nhân sinh (Anthropocene).” ― Rebecca Bates, The White Review (Anh Quốc)

11. “Quyến rũ, nhẹ nhàng và k ỳ lạ một cách không thể biện giả Có một sự hài hước trong [từng] câu chữ làm tăng thêm cảm giác tuyệt vọng. Tawada tìm ra cách để sáng tạo nên câu chuyện về những cụ già bị mắc kẹt vĩnh viễn vào cuộc sống bất tận và trẻ em mang định mệnh lụi tàn trước khi chúng cảm nhận được hạnh phúc, vui sướng và – một cách chân thật – sự bình an.” ― J.W. McCormack, BOMB (Mỹ)

12. “Tawada, người viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Đức, đã sử dụng một chất giọng nhẹ nhàng, mà thường nghiêng về biểu đạt sự trừu tượng cũng nhẹ nhàng cùng với sự hài hước, dí dỏm, đã sáng tác một cuốn sách mỏng vừa hấp dẫn vừa khơi gợi suy ngẫm nơi người đọc.” ― Kiri Falls, The Japan News (Nhật Bản)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Recently Viewed Products