Tags: Nhà Xuất Bản Tri Thức , NXB Tri Thức
Hãy Trỗi Dậy, Việt Nam! - Vũ Minh Khương - (Bìa Mềm)
- Tác giả: Vũ Minh Khương
- Thể loại: Lịch Sử Việt Nam
- Availability: In Stock
$22.99
"Sinh ra ở đời, ai cũng có ước mơ. Ước mơ không chỉ là kim chỉ nam cho mục tiêu hướng tới tương lai mà còn là động lực mạnh mẽ thôi thúc người ta căng tầm mắt đại bàng để thấu hiểu thời thế và quả cảm vượt qua...
"Sinh ra ở đời, ai cũng có ước mơ. Ước mơ không chỉ là kim chỉ nam cho mục tiêu hướng tới tương lai mà còn là động lực mạnh mẽ thôi thúc người ta căng tầm mắt đại bàng để thấu hiểu thời thế và quả cảm vượt qua mọi trở ngại, kể cả khiếm khuyết của chính mình, để không ngừng đi lên trên hành trình gian khó của cuộc đời. Trong muôn vàn ước mơ của mình, người Việt Nam ta, có lẽ ai cũng chia sẻ và thôi thúc bởi một khát vọng hun đúc từ ngàn đời về một ngày dân tộc ngẩng cao đầu, một quốc gia phồn vinh, một xã hội chứa chan tình yêu thương và ý thức trách nhiệm trong sự sâu sắc về đạo lý và anh minh về công lý. Những hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam hàng nghìn năm qua là minh chứng bi hùng về sức mạnh vô song của người Việt Nam trong theo đuổi khát vọng mãnh liệt này.
Nghĩ về đất nước thấy trách nhiệm, nhìn ra thế giới cháy ước mơ. Có lẽ tâm trạng này đã làm trăn trở bao thế hệ người Việt Nam và sẽ trở thành một động lực vô song góp phần đưa dân tộc vượt lên phía trước trong các thập kỷ tới. Vào năm 2045, nếu Việt Nam đã làm nên những kỳ tích phát triển để trở thành một quốc gia hùng cường khi kỷ niệm 100 năm độc lập của mình, dân tộc Việt Nam sẽ ghi vào lịch sử nhân loại một huyền thoại mà ít dân tộc có được. Đó là, chỉ trong vòng đúng 100 năm, 1945-2045, một thời gian ngắn ngủi so với lịch sử lâu dài của mình, dân tộc Việt Nam đã trải qua cả ba dạng thức bi hùng và kịch tính của sinh tồn và phát triển – “vùng dậy”, “thức dậy”, và “trỗi dậy” – với những hy sinh và nỗ lực phi thường để đi đến mục tiêu cao cả mà đời đời trăn trở khát khao.
Trải qua ba thập kỷ “Vùng dậy” (1945-1975), dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ ý chí “dời non lấp biển” của mình trong quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Với ba thập kỷ “Thức dậy” (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành quả phát triển ấn tượng nhờ lòng quả cảm vượt qua quá khứ và nỗ lực sống động của mình trong nắm bắt đổi thay và hội nhập quốc tế. Trong ba thập kỷ tới, khi đất nước tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào ngày 2/9/2045, Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nên những kỳ tích “Trỗi dậy” với những bước nhảy lượng tử mà ít dân tộc có thể làm được. Nó đòi hỏi cả dân tộc có bước tiến nhảy vọt từ thức dậy về tư duy lên trỗi dậy về tầm nhìn; từ quyết tâm cởi trói về cơ chế lên năng lực kiến tạo nên nền tảng phát triển cho một xã hội phồn vinh; từ nỗ lực hội nhập lên ý chí đưa dân tộc lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Để biến khát vọng trỗi dậy trở thành hiện thực, bước đi đầu tiên không phải là tìm kiếm cơ hội mà là nhận thức rõ những thách thức chiến lược mà công cuộc phát triển của Việt Nam phải vượt qua. Trong đó, khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội, hạn chế trong phẩm chất hợp tác của cộng đồng, và tầm vóc còn hạn chế của giới tinh hoa, có lẽ là những trở ngại lớn nhất.
Khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội thể hiện ở sự thiên lệch coi phát đạt cao hơn phát triển. Phát đạt là sự gia tăng về thu nhập, nâng cấp về điều kiện vật chất (như của cải dự trữ, nhà cửa, trang thiết bị, và hạ tầng cơ sở), và mở rộng về thanh thế, quan hệ. Trong khi đó, phát triển được đo bằng tính tự trọng và lòng tôn trọng người khác, tầm nhìn và khả năng sáng suốt trong tổng hợp thông tin để ra các phán xét và quyết định, biết trân trọng cái mình đang được hưởng, và ý thức tự đánh giá lại mình trong trách nhiệm với bản thân, tập thể, và xã hội. Trong khi phát đạt có thể được tạo ra nhờ những nỗ lực nhất thời hoặc may mắn, phát triển tạo nên nền tảng căn bản có tính cấu trúc cho một sự thịnh vượng lâu dài. Thiên lệch về phát đạt, coi nhẹ phát triển có thể làm mạnh lên những yếu tố đi ngược lại sự phát triển, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sự suy tàn. Đây cũng chính là lý do mà nhiều gia đình phát đạt nhưng con cái hư hỏng; nhiều công ty ăn nên làm ra một thời bị sa lầy vào đấu đá nội bộ hoặc các thương vụ làm ăn chụp giật phi pháp; đất nước có tăng trưởng cao nhưng nền tảng phát triển lâu dài ngày một suy yếu.
Về triết lý phát triển, mỗi chúng ta, dù là người dân hay chủ doanh nghiệp, giới trí thức hay tầng lớp lãnh đạo, đều nên ý thức rõ rằng mỗi quyết định của mình đều mang lại kết quả được đánh giá trên ba thước đo: “hiệu quả”, “hiệu lực”, và “tiến hóa”. “Hiệu quả” là thước đo đánh giá sự phát đạt thông qua lợi ích vật chất và danh vọng thu được. “Hiệu lực” và “tiến hóa” là các thước đo liên quan đến phát triển. “Hiệu lực” đánh giá giá trị bản sắc mang lại cho xã hội. “Tiến hóa” nhìn nhận di sản để lại cho hậu thế. Nếu xét về cá nhân, giá trị của một con người theo thước đo “hiệu quả” là vốn tài sản và danh vọng người đó đã tích tụ được. Trong khi đó, thước đo “hiệu lực” dựa trên sự cảm nhận đương thời của cộng đồng và xã hội; còn thước đo “tiến hóa” dựa trên sự cảm nhận của thế hệ mai sau. Thấu hiểu cấu trúc giá trị này sẽ giúp mỗi người chúng ta thoát khỏi những thôi thúc đời thường, đặc biệt khi đã có những điều kiện thuận lợi trong cuộc sống, để chú trọng hơn trong kiến tạo nên những giá trị ý nghĩa theo các thước đo “hiệu lực” và “tiến hóa”.
Nỗ lực thúc đẩy tiến trình phát triển của một xã hội đòi hỏi thay đổi một cách nền tảng triết lý phát triển. Khi đó, ước vọng của mỗi cá nhân không chỉ bó hẹp trong thước đo “hiệu quả” mà còn thấm đậm với thước đo “hiệu lực” và “tiến hóa”. Khi đó, những tổng kết dân gian như “hy sinh đời bố củng cố đời con”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng” sẽ chỉ còn là những câu chuyện dĩ vãng. Thay đổi triết lý cuộc sống sẽ làm xã hội tốt đẹp lên bội phần cho dù nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Khởi đầu sự đổi thay này có thể bắt đầu từ đâu đó trong lớp trẻ như ngọn lửa nhỏ, rồi sẽ bùng lên lan tỏa trong toàn xã hội. Khi đó, hiền tài sẽ nối nhau xuất hiện, cuồn cuộn như nước chảy, dốc lòng giúp dân giúp nước mau mau cường thịnh. Việt Nam nhất định sẽ có những con người và thế hệ mà dân tộc có thể tự hào trong thế kỷ 21 này.
Hạn chế về phẩm chất hợp tác của cộng đồng (khi không còn chiến tranh) của người Việt Nam ta đã được nhiều học giả, doanh nhân, và người dân bàn đến. Bài toán “Săn hươu” của triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau cho một ví dụ sinh động giúp chúng ta hiểu sâu hơn tại sao khuyết tật này là phổ biến trong cộng đồng Việt Nam ta. Trong câu chuyện này, hai người đi săn cùng rơi vào một tình thế chung: nếu cả hai cùng im lặng chờ hươu đến rồi cùng nổ súng thì thành công của cuộc đi săn sẽ rất lớn, vừa săn được hươu, vừa củng cố tình hợp tác. Thế nhưng, mỗi người đi săn đều lấn bấn với những câu hỏi và toan tính riêng: “nếu hươu không đến thì tối lấy gì ăn cho gia đình mình?” và “nếu người kia nổ súng bắn con thỏ cho riêng anh ta thì hươu sẽ không tới và tối nay chỉ gia đình anh ta có ăn trong khi gia đình mình sẽ đói”.
Ham muốn nhỏ, sợ rủi ro, thiếu lòng tin vào đồng đội, và sự thiếu vắng một thiết chế hiệu lực cho thực thi cam kết là những lý do thúc đẩy mỗi người đi săn nổ súng bắn thỏ. Cách chọn bắn thỏ càng trở nên phổ biến khi mỗi người đi săn đều đủ thính tai, tinh mắt để một mình bắn thỏ mà không cần đến sự giúp đỡ của đồng bạn. Trong bối cảnh này, tinh thần hợp tác của cộng đồng sẽ mỗi ngày một giảm sút nếu có nhiều người trong cộng đồng phát đạt nhờ những phát súng bắn thỏ. Tình thế và động thái này dường như đang phổ biến trong cộng đồng chúng ta; và có lẽ đó là một lý do quan trọng làm thấp đi phẩm chất hợp tác vốn rất tiềm tàng của mỗi người Việt Nam.
Giới tinh hoa đại diện bởi các chính trị gia, các nhà lãnh đạo, giới trí thức và doanh nhân đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy công cuộc phát triển của một xã hội. Sự ưu tú của bộ phận tinh hoa thể hiện ở ba thước đo chủ yếu: khát vọng dân tộc cháy bỏng; tầm nhìn thời đại; và phẩm chất hiến dâng, coi di sản chứ không phải tài sản là mục tiêu đích thực của cả cuộc đời mình. Giới tinh hoa có khả năng tiềm tàng trong việc đưa ra những thông điệp mạnh mẽ thôi thúc toàn dân tộc trỗi dậy và kiến tạo nên những thiết chế hiệu lực có sức đột phá, giúp doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội không chỉ mạnh mẽ vượt qua các trở lực phát triển mà còn nhạy bén nắm bắt đổi thay, vượt lên hàng đầu trong dòng chảy thời đại, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong hành trình đi đến phồn vinh. Là một dân tộc đi lên từ vô vàn gian khó và đau thương, sức mạnh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào năng lực định vị chiến lược của giới tinh hoa hơn là vào nguồn lực sẵn có. Vì vậy, thành bại trong công cuộc phát triển của Việt Nam, một phần nhiều, sẽ được định đoạt bởi giới tinh hoa, những người “biết khóc trước số phận thiệt thòi của dân tộc mình”.
Cuốn sách là tập hợp có hệ thống các bài viết trong 15 năm qua của tác giả trên các báo trong nước. Quyển sách này là kế thừa và bổ sung của cuốn sách Việt Nam: Hành trình đi đến phồn vinh Nhà xuất bản Tri thức đã xuất bản lần đầu năm 2011 và tái bản năm 2013.
Trong lần tái bản này, cuốn sách được đổi tên thành Hãy Trỗi dậy, Việt Nam! (Let’s Rise, Vietnam!) để khái quát được bước tiến mới trong tâm thế dân tộc sau ba thập kỷ đổi mới và hội nhập. Cuốn sách gồm tám chương.
Chương 1 trình bày một tầm nhìn khát vọng về một nước Việt Nam phồn vinh vào năm 2045 – kỷ niệm 100 năm độc lập.
Chương 2 chia sẻ những trăn trở của tác giả về những rào cản căn bản làm cho Việt Nam phát triển dưới mức tiềm năng.
Chương 3 bàn sâu về các yếu tố nền móng Việt Nam cần phải xây dựng trên con đường đi đến phồn vinh.
Chương 4 rút ra những bài học từ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Chương 5 thảo luận về vai trò cốt yếu của một nhà nước kiến tạo phát triển trong điều kiện Việt Nam.
Chương 6 bàn về việc nắm bắt những cơ hội vô giá cho phát triển mà kỷ nguyên số mang lại. Từ góc nhìn cục diện phát triển của khu vực và toàn cầu.
Chương 7 chỉ ra những thách thức và thời cơ cho Việt Nam trong các thập kỷ sắp tới.
Chương 8 tác giả muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ về sứ mệnh thiêng liêng của mình trong hành trình đi đến phồn vinh của dân tộc.
Lời kết của cuốn sách chia sẻ với bạn đọc đôi lời tâm huyết của tác giả từ những chiêm nghiệm về cuộc sống và dự cảm về tương lai.
*Tác giả: Vũ Minh Khương - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
***
Hãy trỗi dậy, Việt Nam! - (bìa mềm) - Giá bìa: 190.000đ
Tác giả: Vũ Minh Khương
Nhà xuất bản: NXB TRI THỨC
Hình thức: bìa mềm
Số trang: 588
Khổ: 16x24
Trọng lượng: 600gram
Năm phát hành: 2020
***
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....