Tags: Bình Slavická , Nhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam , NXB Phụ Nữ Việt Nam

Những Kẻ Hèn Nhát

$23.99

Gần như một cuốn tự truyện, Những kẻ hèn nhát của Josef Škvorecký viết về tám ngày cuối cùng (từ 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến Thế giới II tại thị trấn nhỏ gần biên giới Séc - Đức mà tác giả đặt tên là Kostelec. Đầu tháng 5/1945, thủ...

Gần như một cuốn tự truyện, Những kẻ hèn nhát của Josef Škvorecký viết về tám ngày cuối cùng (từ 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến Thế giới II tại thị trấn nhỏ gần biên giới Séc - Đức mà tác giả đặt tên là Kostelec. Đầu tháng 5/1945, thủ đô Berlin bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm, Hitler đã tự sát nhưng tại Tiệp Khắc, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí. Những người yêu nước Tiệp Khắc phát động cuộc khởi nghĩa nhưng bị quân Đức đàn áp nên đã kêu gọi Hồng quân giúp đỡ. Cả thị trấn xôn xao về tình hình chiến sự nhưng chàng sinh viên Danny chỉ có hai mối quan tâm thực sự, đó là phụ nữ và nhạc jazz. Phần lớn nội dung tác phẩm viết về sở thích chơi kèn sax của Danny và tình yêu của anh dành cho các cô gái, đặc biệt là nỗi khát khao Irena. Khi những người lãnh đạo Kostelec thành lập một lực lượng dân quân địa phương nhằm mục đích giữ gìn trật tự an ninh cho thị trấn, Danny và những người bạn trong ban nhạc của anh lại tỏ ra hoài nghi, thậm chí coi đó là trò hề. Khi bị buộc phải tham gia lực lượng quân sự và đi tuần tra quanh thành phố, Danny lại xem việc tham gia cách mạng và bắn súng là một cách hay để gây ấn tượng và giành lấy tình yêu của Irena. Những mộng tưởng xa vời của chàng sinh viên chỉ dừng lại khi những người tị nạn tràn vào thị trấn, quân Đức nổ súng cùng tình cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở châu Âu bao trùm Kostelec. Lúc này, anh phải đối mặt với những câu hỏi về cuộc đời, mục đích và tương lai của anh nếu anh sống sót qua thời khắc nguy hiểm của chiến tranh.

Bằng giọng văn đậm chất hoạt kê, câu chuyện mở đầu bằng âm nhạc và kết thúc cũng bằng âm nhạc, tác phẩm Những kẻ hèn nhát khiến độc giả được trải nghiệm một giai đoạn lịch sử mà không có cảm giác đen tối, u buồn, ám ảnh. Những kẻ hèn nhát tuy được hoàn thành từ năm 1949, nhưng vì tình hình chính trị Tiệp Khắc lúc đó mà mãi đến cuối năm 1958 mới được xuất bản lần đầu tiên. Và hơn một nửa thế kỷ sau khi ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên được vẻ tươi nguyên mới mẻ ban đầu. Cuốn sách được dịch ra 17 ngôn ngữ, được tái bản 11 lần, trở thành một trong những cuốn sách phải đọc ở nhà trường và có mặt trong đề thi tốt nghiệp văn học tại trường phổ thông trung học Séc.

Tác giả

Josef Škvorecký (27/9/1924 Tiệp Khắc - 3/1/2012 Canada) là nhà văn và dịch giả người Séc, với khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông là một trong những nhà văn lớn của văn học hiện đại Séc nửa sau thế kỷ 20 đồng thời là dịch giả có uy tín, người đã đưa các tác giả nổi tiếng của văn học Mỹ đến với độc giả Séc. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước: giải thưởng của Hội Nhà văn Tiệp Khắc (1963), giải thưởng Nhà văn Tiệp Khắc (1966), giải Văn học Quốc gia (1999), giải Jaroslav Seifert (2004), giải thưởng của Toàn quyền Canada cho tiểu thuyết hay nhất (1984), giải của Quỹ Echoing Green - New York (1990), Huân chương Nghệ thuật và Văn học của Pháp (1996) Giải thưởng danh giá nhất ông được trao tặng là giải Văn học quốc tế Neustadt năm 1980. Từ năm 2007, Séc có thêm giải thưởng văn học mang tên Josef Škvorecký, trao tặng cho tác giả Séc có sáng tác văn xuôi hay nhất của năm.

Dịch giả

Dịch giả Bình Slavická sinh năm 1954 tại Hưng Yên. Bà tốt nghiệp khoa Xây dựng, Đại học ČVUT tại Praha (1979), đạt học vị tiến sĩ ngành Khoa học Lịch sử và Dân tộc học, khoa Triết trường Đại học Charles Praha (2016). Hiện bà sinh sống và làm việc ở Cộng hòa Séc, là giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện châu Á học, Đại học Charles. Dịch giả Bình Slavická là người Việt duy nhất được trao giải Gratias agit 2022 vì những đóp góp to lớn trong việc truyền bá văn hóa, con người Cộng hòa Séc ở nước ngoài.

Các tác phẩm đã dịch:

· Jan Neruda: Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (cùng Dương Tất Từ), NXB Văn học, 2018.

· Karel Čapek: Bệnh trắng, 1986, NXB Hội Nhà văn, 2020.

· Jiří Hubač: Nhà trên thiên đường (kịch), 1987.

· Jaroslav Hašek: Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới I-I-III-IV, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020, 2021.

Trích đoạn 1

Tôi lại bắt đầu nghĩ đến Nữ hoàng Württemberg. Trên thế gian này có các cô gái đẹp, đó là điều tuyệt làm sao, và điều đó có lẽ hoàn toàn chẳng phải là cái gì không công bằng. Tôi suy nghĩ về việc Nữ hoàng Württemberg là người có gia phả, có tổ tiên và cả định kiến nữa, chỉ có điều không có vương quốc, và chẳng hạn nếu mà tôi có muốn thì Nữ hoàng chắc chắn cũng sẽ không lấy tôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ có thể bây giờ Nữ hoàng sẽ lấy tôi, bởi vì tôi là người Séc và Nữ hoàng là người Đức, có thể về tương lai thì tôi có cơ hội lớn hơn so với Nữ hoàng, kể cả khi tôi không có tổ tiên, cũng chẳng có định kiến. Sau đó, tôi lại nhận thức được rằng đúng ra thì tôi cũng có tổ tiên, tuy có thể thực ra tổ tiên của tôi không đông đúc như của Nữ hoàng, rồi tôi nghĩ đến thuyết Nhất nguyên và Đa nguyên mà tôi đã đọc cách đây không lâu. Tôi cũng nghĩ đến ông Bauman, phụ trách những người coi rừng. Ông ấy đã tìm ra được ở đâu đó thông tin rằng, gia đình Smirický chúng tôi quả thực là nhánh phụ của dòng họ Smirický ở Smirice, và tôi cho rằng có thể đấy là sự thật. Như thế thì tôi có thể lấy được Nữ hoàng Württemberg. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ rằng bây giờ, khi chiến tranh sẽ kết thúc, khi tôi là thành viên của một dòng họ như thế, thì có lẽ tốt hơn là lấy một lady người Anh, nhưng tôi lại ý thức được rằng có thể đó là điều sai lầm và đúng ra thì tôi yêu Irena, nhưng đồng thời tôi lại không cảm thấy chắc chắn rằng tôi yêu Irena, không thấy chắc chắn kể cả chuyện có thể là tuyệt vời nếu tôi lấy Irena, và tôi nghĩ có lẽ lấy một lady Anh thì tốt hơn nhiều. Chúng tôi vẫn cứ chơi, còn tôi thì vừa chơi vừa nghĩ đến tất cả những chuyện ấy. Tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện có thể sẽ có cuộc cách mạng và chúng tôi sẽ biết thế nào là chiến trường. Nhưng sau đó, khi chơi đoạn độc tấu của mình, tôi tự nhủ mình là đồ con bò vì tôi chỉ có Irena, chỉ yêu có Irena, nhưng Irena là người tốt hơn tất cả lũ con gái khác, Irena quan trọng hơn tất cả mọi thứ, tôi có cảm giác rằng tôi sẽ chết một cách anh hùng và việc đó sẽ gây ấn tượng cho Irena, rằng chết một cách anh hùng là điều hay, nhưng phải làm sao để Irena biết được điều ấy, và tôi thấy hoàn toàn chắc chắn rằng tôi yêu Irena, vì đó là niềm sung sướng rất lớn, khi mà tôi hoàn toàn chắc chắn như thế.

Trích đoạn 2

Chỉ còn một mình tôi ở trong nhà tắm. Ngọn đèn trên trần chiếu xuống chiếc bồn tắm màu trắng. Tôi cởi cái quần ướt rồi bước vào bồn tắm. Tôi nhìn thấy mình trong chiếc gương gắn trên tường. Trên người tôi có nhiều chỗ lấm bẩn, nhưng trong ánh sáng chiếu từ trên xuống, tôi lại thấy mình có thân hình để trần đẹp đẽ với cái hông nở nang kiểu chàng trai Hy Lạp. Tôi cứ soi mãi vào gương và thấy rất thích, rồi tôi mở vòi hoa sen. Từ bên trên, những tia nước ấm nhỏ bắt đầu phun lên tôi rồi chảy theo người xuống phía dưới. Da ướt của tôi loáng lên trong gương. Tôi tắt vòi hoa sen, xát xà phòng vào bao tay tắm rồi bắt đầu kì cọ khắp người. Tôi động đậy, hình tôi trong gương cũng vậy. Tôi trông thấy mình ngoáy mông, giơ cánh tay cuồn cuộn cơ bắp, gập lưng xuống, thót bụng lại, rồi tôi lại bắt đầu nghĩ đến Irena. Nghĩ đến thân thể Irena. Nghĩ đến việc chúng tôi có thể sống cùng nhau. Tôi còn trẻ, ít ra thì thân thể tôi còn trẻ, và Irena cũng vậy. Sẽ thật là hoài của, nếu như tấm thân đẹp đẽ của tôi sống một cách vô ích, chẳng vì một ai như thế ở trên đời này. Có lẽ tôi sẽ yêu Irena, cơ thể tôi có lẽ sẽ yêu Irena. Mà suy cho cùng thì đó là tình yêu, giữa thân thể với cái hông nở nang của tôi và làn da trắng ướt mềm mại của Irena, không có gì hơn, không có gì hơn, không có gì hơn.

Trích đoạn 3

Chiếc xe tải đi qua ngoại ô, những ngôi nhà mái ngói đỏ chạy giật lùi về phía sau, còn tôi thì nghĩ đến mọi thứ và cảm thấy hân hoan. Trong tâm trí, tôi lại nhìn thấy vóc dáng bé nhỏ của Hrob lúc nó dang tay rồi ngã sấp mặt xuống cỏ, nhìn thấy tháp pháo của xe tăng từ từ quay với cái điềm tĩnh kinh khủng, thấy những tên lính Đức trong quân phục ngụy trang rơi xuống đường nhựa rồi trườn mình xuống con hào. Sờ tay lên khẩu súng tự động, tôi chợt ý thức được rằng tôi đã không hề bắn một phát nào. Cảm giác hối tiếc xâm chiếm lòng tôi, và tôi lại nhìn thấy mình nằm trong con hào ven đường, khẩu súng tự động dựa bên cột mốc và con thú Đức bằng sắt khổng lồ màu xám đang tiến về phía tôi. Trời ơi, tại sao mà tôi đã không bắn? Bây giờ thì các ngón tay tôi run lên vì muốn bóp cò, nhưng còn làm gì được nữa. Khẩu súng nằm trên đùi tôi, lạnh toát và câm lặng, có tiếc vì không bắn thì cũng đã muộn rồi. Trời ạ, tôi đã nằm trong rừng tối, bên ngoài phía trước mặt tôi là khoảng không đầy ánh sáng, nhìn rõ mồn một, với lũ lính Đức trên xe tăng, tôi đã có thể bắn, nhưng tôi đã không bắn, tôi chẳng hề bắn một phát nào, tôi chỉ giương mắt nhìn và bỏ chạy. Điều ấy khiến tôi bực mình khó chịu. Chúng tôi đi qua nhà ga rồi qua cầu đi lên trên tới bệnh viện. Tôi vẫn thấy bực mình khó chịu. Hàng liễu trồng dọc đường vào bệnh viện rủ những cành lá đẫm nước mưa, lả lướt đung đưa bên ngoài cửa xe. Cánh cổng bệnh viện mở toang, một người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng ở đó. Trông thấy chúng tôi, người ấy vẫy tay và khi xe chúng tôi từ từ vào cổng, người ấy nhảy lên bậc xe phía tôi ngồi, bám tay vào cửa sổ đang mở.

Trích đoạn 4

Cuối cùng thì bao giờ tôi cũng chỉ mộng mơ và suy nghĩ xem điều ấy sẽ như thế nào, còn Zdenek thì chẳng suy nghĩ gì cả, đối với nó đó là điều rõ ràng. Cuối cùng thì đối với Irena, nó có giá trị. Irena trút bỏ váy áo trước mặt nó, ngủ với nó, yêu nó và thích tôi. Vâng. Irena thích tôi. Chẳng làm cái gì khác được. Tôi phải lấy đó làm hài lòng, rằng sự thể là như thế chứ chẳng có gì hơn nữa. Tôi đứng dậy, trang nghiêm nâng cây saxophone và thổi những làn điệu nức nở, những làn điệu mừng chiến thắng, mừng sự kết thúc của chiến tranh, vì quang vinh của thành phố này và tất cả các cô gái đẹp của nó, vì danh dự của những tình yêu to lớn, sâu sắc, vĩnh cửu, ngu ngốc và tuyệt đẹp. Tôi nức nở vì tất cả mọi thứ, vì cuộc đời tôi, vì những tên lính SS đã bị xử tử, vì thằng Hrob tội nghiệp đã ngã xuống, vì Irena, người chẳng hề hiểu gì cả và đang từ từ đi đến sự tự hủy hoại trong một cuộc hôn nhân, vì thời tuổi trẻ đã kết thúc, vì sự chia tay đã bắt đầu, vì ban nhạc mà sẽ không bao giờ cùng chơi với nhau như thế này nữa, vì những buổi tối khi chúng tôi chơi bên ánh đèn dầu, đồng thời nghĩ về thế giới sẽ đến với mình, vì những cô gái xinh đẹp tôi đã yêu, và tôi đã yêu rất nhiều, có lẽ yêu tất cả, và nức nở vì mặt trời. Từ những áng mây hoàng hôn màu da cam và màu đỏ thẫm của hoa nghệ tây ở bầu trời đằng tây, một cuộc sống mới đang ngả mình về phía tôi, một cuộc sống mới vô ích, nhưng đẹp đẽ, tôi nâng cây saxophone lấp lánh ánh mặt trời hướng về cuộc sống mới ấy và tôi hát, tôi nói từ chiếc kèn mạ vàng ấy, rằng tôi tiếp nhận nó, tôi tiếp nhận tất cả, tiếp nhận hết thảy những gì sẽ đến, bởi lẽ tôi không thể làm gì khác được, và từ một nơi nào đó của biển vàng cùng mặt trời mênh mông, cô gái mà tôi sẽ gặp lại nghiêng mình xuống tôi, vuốt ve má tôi. Dưới kia, bên dưới bục sân khấu, đám thanh niên mặc Zoot Suit đang nhảy múa, những người mà tôi yêu thích, những người mà chỉ vài ngày nữa tôi chia tay để đi nơi khác. Tôi chơi cho họ và nghĩ đến tất cả những chuyện thường lệ mà bao giờ tôi cũng nghĩ tới, đến bọn con gái, đến jazz, và đến cô gái chưa

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Recently Viewed Products