“Tâm Lý Học Tội Phạm (Phần 1)”: Bóc Trần Bộ Não Của Những Kẻ Sát Nhân

[Trích Sách] “Tâm Lý Học Tội Phạm (Phần 1)”: Bóc Trần Bộ Não Của Những Kẻ Sát Nhân

 

Tiến sĩ Stanton E. Samenow là một nhà tâm lý học, đã dành 40 năm với tư cách là một nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng, nhà tư vấn và nhân chứng chuyên môn chuyên về hành vi tội phạm. Ông cũng là người đánh giá độc lập về các tranh chấp quyền nuôi con trong hơn 20 năm qua và được bổ nhiệm vào ba đội đặc nhiệm của Tổng thống về thực thi pháp luật, quyền của nạn nhân và một nước Mỹ không có ma túy. Mục đích chính của ông khi viết cuốn sách này đó là để giúp người đọc hiểu hơn về tư duy tội phạm. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách Tâm lý học tội phạm được xuất bản năm 1984, và ấn bản thứ hai xuất bản năm 2004. Sau một thập kỷ, tác giả và nhà xuất bản đã bổ sung thêm các thông tin cho cuốn sách này. Trong ấn bản này, bạn sẽ hiểu chi tiết về các quá trình tư duy và chiến thuật phổ biến đối với những kẻ phạm tội, bất kể lý lịch hay tội ác của chúng.

 

/Mở đầu/

Trong nhiều thập kỷ qua, những hiểu biết thông thường phổ biến về hoạt động phạm tội đã coi kẻ phạm tội là nạn nhân của những tác động mà người đó gần như không hoặc không thể kiểm soát được. Hầu như mọi thứ có thể nghĩ tới đều được xác định là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, bao gồm nghèo đói, sự yếu kém trong việc nuôi dạy con cái, áp lực từ bạn bè, bạo lực trên các phương tiện truyền thông và nhiều loại bệnh khác nhau về tinh thần.

Bản chất con người không thay đổi, và do đó tư duy tội phạm mà tôi mô tả trong các ấn bản trước của cuốn sách này cũng không thay đổi. Tuy nhiên, một xã hội liên tục thay đổi đã tạo ra những con đường mới để tư duy tội phạm thế hiện vai trò của mình. Ví dụ, hành vi bắt nạt không phải là mới nhưng bắt nạt trên không gian mạng thì lại mới mẻ và nó tạo ra cho những thanh thiếu niên và người trưởng thành có khuynh hướng phạm tội một đấu trường mới rộng lớn hơn, gây ra nhiều đau khổ hơn. 

Internet là một phương tiện nhanh chóng và hiệu quả để tiến hành nghiên cứu, mua sắm, lập kế hoạch du lịch và giao tiếp với những người khác. Công nghệ đã mở ra một thế giới tương tự cho tội phạm để chúng có thể tiến hành “nghiên cứu” và thực hiện các kế hoạch. Với Internet, tội phạm có quyền truy cập ngay lập tức để làm những gì chúng vẫn luôn làm - gian lận, lừa đảo, ăn cắp và đe dọa. Tội phạm mạng ngày càng trở thành mối đe dọa đối với các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Những kẻ phạm tội cách xa những nạn nhân hàng ngàn dặm và nằm ngoài phạm vi của các cơ quan thực thi pháp luật vẫn có thể xâm nhập vào các hệ thống máy tính của chính phủ, đánh cắp thông tin cá nhân, ăn cắp mã nhận dạng và tiêu diệt các phần mềm hoặc hồ sơ kinh doanh có giá trị của công ty. 


/Loại bỏ rào cản với hoạt động nắm bắt tư duy tội phạm/

Các chương trong cuốn sách này bộc lộ các phương thức tư duy ở người trưởng thành khi chúng trở thành thói quen và gây ra tổn thương lớn cho người khác. Nguy cơ phát triển “căn bệnh của sinh viên y khoa” luôn tồn tại, trong đó bạn bắt đầu nghĩ rằng, “Chồng tôi làm một số việc này. Con trai tôi cũng làm như vậy. Và tôi nghĩ một số điều này cũng áp dụng cho tôi.” Bạn có thể bắt đầu nhìn thấy tội phạm ở khắp mọi nơi. 

Hãy nhớ rằng, hầu hết các mặt của tính cách luôn có sự chuyển biến không ngừng. Ví dụ như đối với sự lo lắng. Một người cảm thấy lo lắng khi dự đoán kết quả xét nghiệm y tế chẩn đoán là điều bình thường. Ở một khía cạnh khác, một người có thể không hoạt động bình thường vì lo lắng đến mức anh ta chỉ ở trong nhà và sợ đi ra ngoài. Chi cần cân nhắc việc đi đến cửa hàng tạp hóa cũng có thể gây ra một cơn hoảng loạn toàn diện. 

Để hiểu được cấu tạo tinh thần của những cá nhân có tính cách tội phạm thì việc nắm được khái niệm về sự liên tục cũng là điều cần thiết. Nói dối là một trường hợp điển hình. Gần như tất cả chúng ta đều nói dối. Một đứa trẻ hai tuổi làm đổ ly sữa và chỉ vào con mèo để bảo con mèo là thủ phạm. Bạn của bạn hỏi bạn có thích kiểu tóc mới của cô ấy không và để tránh làm tổn thương cảm xúc của cô ấy, bạn tuyên bố nó tuyệt đẹp mặc dù bạn cho rằng nó không phù hợp với cô ấy. Quá mệt mỏi và muốn có một ngày nghỉ, bạn gọi điện đến nơi làm việc để xin nghỉ ốm mặc dù bạn không thực sự ốm. Bạn đảm bảo với con mình rằng thuốc sẽ không có vị khó chịu để thuyết phục con uống thuốc mặc dù bạn biết nó rất đắng. Nhưng có một sự khác biệt đáng kể giữa một người nói dối vô hại để tránh xấu hổ hoặc làm tổn thương ai đó, và một người nói dối giống như một lối sống. Tội phạm nói dối để che giấu dấu vết (anh ta có rất nhiều thứ cần che giấu) và thoát khỏi sự bế tắc anh ta đã tạo ra cho chính bản thân. Anh ta nói dối nhằm bảo vệ quan điểm bản thân đặc biệt và mạnh mẽ, một sự tự nhận thức về bản thân được củng cố mỗi lần anh ta lừa dối người khác thành công. 

 

/Thất bại trong xác định nguyên nhân dẫn đến tội phạm/

Việc tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội chưa có hồi kết và phần nào có thể so sánh với nỗ lực của các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân của bệnh ung thư. Nếu chúng ta phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến thất bại và hoảng sợ, thì bất kể tai họa là gì cũng đều có thể loại trừ. Không giống như ung thư, chúng ta không nên kỳ vọng có thể tìm ra cách chữa trị ngay cả khi xác định được “nguyên nhân gốc rễ” của tội phạm. Thay vì vạch ra các chiến lược hiệu quả để đối phó với tội phạm, việc tập trung tìm kiếm nguyên nhân đã làm xao nhãng việc tìm hiểu những kẻ phạm tội thực sự là người như thế nào. 

Một quan điểm đã tồn tại trong hơn một thế kỷ qua cho rằng tội phạm là nạn nhân của các yếu tố xã hội học, tâm lý học hoặc sinh học mà họ gần như không thể hoặc không kiểm soát được. Một số nhà xã hội học cho rằng, tội phạm là một sự phản ứng có thể lý giải nhằm thích nghi và thậm chí là bình thường trước hoàn cảnh nghèo đói khắc nghiệt đã tước đi cơ hội và hy vọng của con người. Họ cũng chỉ ra cuộc sống căng thẳng và đầy cạnh tranh ở vùng ngoại ô cũng góp phần tạo nên tội phạm. Một số người quy kết tội phạm là do những giá trị trong xã hội bị đặt nhầm chỗ khiến công dân xa lánh cộng đồng, nơi làm việc và chính quyền. Các nhà tâm lý học nhấn mạnh vai trò của trái nghiệm ban đầu trong gia đình và chỉ ra những khiếm khuyết của cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Giả thuyết này được đưa ra vào thế kỷ 19 và cho rằng tội phạm mắc chứng “rối loạn nhân cách chống đối xã hội” từ khi sinh ra. Hiện tại ở thế kỷ 21, các nhà khoa học đang quay trở lại với ý tưởng đó khi các phát hiện nghiên cứu chỉ ra cơ sở sinh học cho hành vi phạm tội.

Số liệu thống kê chỉ ra rằng, tội phạm bạo lực ở thanh thiếu niên đã giảm khi doanh số trò chơi điện tử tăng vọt. Tạp chí Harvard Mental Health Letter vào tháng 10 năm 2010 trích dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng “việc sử dụng các trò chơi điện tử bạo lực có thể là một phần của sự phát triển bình thường, đặc biệt là ở các bé trai - và cũng là một cách giải trí hợp pháp”. Và khi Tòa án Tối cao ra phán quyết vào tháng 6 năm 2011 rằng các trò chơi điện tử cần có sự bảo vệ của quyền tự do ngôn luận, Tòa cũng lưu ý, nghiên cứu tâm lý về trò chơi điện tử bạo lực vẫn có những thiếu sót về phương pháp luận. Điều quan trọng không phải là những gì trên phim ảnh hay màn hình tivi, trên báo chí hay trong trò chơi điện tử, mà là cấu tạo tâm lý của những người xem các chương trình truyền hình, xem phim, hoặc chơi các trò chơi đó.

 

/Môi trường không gây ra tội phạm/

Tội phạm không giới hạn ở một nhóm kinh tế, dân tộc, chủng tộc hoặc bất kỳ nhóm nhân khẩu học cụ thể nào. Hầu hết những người nghèo không phải là tội phạm, trong khi nhiều người giàu có lại như vậy. Theo thống kê của Bộ Tư pháp từ năm 2010, hành vi trộm cắp của sinh viên xuất thân từ các hộ gia đình có thu nhập từ 75.000 đô la trở lên gấp gần ba lần tỷ lệ trộm cắp của sinh viên ở các hộ gia đình có thu nhập dưới 15.000 đô la? Cái gọi là tội phạm cổ cồn trắng không phải là mới. Chúng bắt đầu nhận được sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông vào cuối thế kỷ XX và tiếp tục cho đến ngày nay. Mặc dù các vụ án giật gân nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhưng xã hội của chúng ta từ lâu đã có những kẻ tham ô và lừa đảo luôn săn đuổi những công dân dễ bị tổn thương bao gồm cả gia đình của họ. Họ hành xử như vậy không phải vì họ nghèo hoặc thiếu cơ hội, mà vì tin rằng họ là độc nhất và có thể bỏ áp dụng cho người khác.

Năm 1972, Clarence Jeffrey, một giáo sư xã hội học, dự đoán rằng những thập kỷ tới sẽ chứng kiến “một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực tội phạm học” khi các khía cạnh sinh học của hành vi được tìm hiểu rõ hơn. Trong nhiều thập kỷ qua, việc điều tra xem các yếu tố sinh học đóng vai trò gì trong hành vi phạm tội hay không, thậm chí còn không được xem là phù hợp về mặt chính trị. Điều này là do e ngại rằng việc xác định các gen tội phạm sẽ dẫn đến việc tạo giống có chọn lọc và kỹ thuật di truyền, một hình thức giống với thuyết ưu sinh trước đó của Đức Quốc xã. Giờ đây, dự đoán năm 1972 của Jeffrey đã thành hiện thực khi lĩnh vực mới “tội phạm thần kinh” đang nổi lên.

Các nghiên cứu về con nuôi đã minh chứng về tính di truyền của tội phạm. Nghiên cứu trên phạm vi lớn ở Đan Mạch báo cáo năm 1984 của Sarnoff Mednick từ Đại học Nam California là nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất. Tiến sĩ Mednick phát hiện ra con nuôi có cha mẹ ruột là tội phạm dễ trở thành tội phạm hơn so với con nuôi có cha mẹ ruột không phải tội phạm. Các nghiên cứu về việc nhận con nuôi sau đó đã xác nhận phát hiện này của ông.

Sinh học không nhất thiết phải là vận mệnh. Một người có khuynh hướng sinh học nghiện rượu không phải lúc nào cũng trở thành người nghiện rượu. Có những người bị tổn thương não được cho là gây ra hành vi phạm tội, nhưng không có nghĩa là tất cả họ sẽ trở thành tội phạm. Như Tiến sĩ Raine chỉ ra, “Tính khí và khía cạnh sinh học giống nhau có thể dẫn đến các kết quả cuộc sống khác nhau”. Nghiên cứu của các nhà tội phạm học thần kinh xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiêm túc. Tiến sĩ Satel cũng cảnh báo rằng chúng ta nên “sử dụng kiến thức do khoa học thần kinh cung cấp mà không đòi hỏi nó giải thích cho tất cả bản chất con người”. 


/Cha mẹ không hề biến con cái thành tội phạm/

Các nhà tâm lý học cùng nhiều chuyên gia khác từ lâu luôn đổ lỗi cho phụ huynh về gần như tất cả các vấn đề liên quan đến con cái họ. Có vẻ như nếu bạn có một đứa con vi phạm pháp luật thì chắc chắn một vấn đề nào đó nằm ở bản thân bạn. 

Các nghiên cứu từ đầu thế kỷ 19 chỉ ra rằng một số thiếu sót của những người làm cha mẹ có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên. Hiện nay, quan điểm đó thường xuyên xuất hiện trong các tài liệu chuyên môn cũng như trong công chúng, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Trẻ em có xu hướng bị coi như những cục đất sét chưa thành hình; chúng bước vào thế giới và được môi trường xung quanh nhào nặn nên, chủ yếu do cha mẹ - những người chúng phụ thuộc không chỉ để đáp ứng nhu cầu về mặt thể chất và tình cảm mà còn là hình mẫu để noi theo. Những lời đổ lỗi cho hành vi sai trái lặp đi lặp lại của đứa trẻ vị thành niên chủ yếu do trách nhiệm của cha mẹ gây ra. Những cha mẹ độc đoán bị chỉ trích vì khiến con cái trở nên hay cáu giận, luôn bực bội và hung hăng. Những cha mẹ dễ dãi bị chỉ trích vì làm hư hỏng con cái và tạo cho chúng cảm giác có thể làm mọi thứ. Và những bậc cha mẹ dân chủ trong việc nuôi dạy con cái bị chỉ trích vì đã nuôi dưỡng ý thức về quyền lợi.  

Bạn không thể biết trước được một đứa trẻ sẽ phát triển thành con người như thế nào khi chỉ đơn giản là biết về bố mẹ chúng. Trong một cuốn sách có tựa đề Stranger in the Nest (tạm dịch: Người lạ trong tổ), nhà tâm lý học David Cohen lưu ý rằng “ khả năng bẩm sinh mạnh mẽ có thể vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của cha mẹ” và kết quả là “con của một người nào đó có thể giống như một người hoàn toàn xa lạ”. Ông lập luận rằng: “Cha mẹ có ít ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ hơn nhiều so với người ta thường nghĩ”. Trong cuốn sách có tựa đề Understanding Your Child's Temperament (tạm dịch: Hiểu được tính khí của con bạn), bác sĩ tâm lý William Carey chỉ ra rằng cha mẹ “không thể thay đổi tính khí cơ bản của con cái”, nhưng họ có thể kiểm soát cách những đứa trẻ phản ứng với nó.

 

/Công việc và tội phạm/

Tội phạm sử dụng những quy trình tư duy giống nhau để tiếp cận công việc và vấn đề giáo dục. Về cơ bản, họ không thích công việc vì họ không coi trọng những nhiệm vụ được giao. Một số tội phạm gần như không hề làm việc. Một số kẻ khác đảm nhận những công việc trong thời gian ngắt quãng để được kính trọng trong khi đó lại phạm tội công khai ngay trước mặt ông chủ. Những cá nhân này gắn bó với công việc cho đến khi cảm thấy nhàm chán, hoặc nghi ngờ chính quyền đang theo dõi họ. Những người khác duy trì công việc trong một thời gian dài và làm tốt công việc đó. Việc có được tiếng tăm tốt sẽ giúp chúng có được điều kiện dễ dàng hơn để tham gia vào các hoạt động phạm pháp mà không bị nghi ngờ.

Một số tội phạm là những người có công việc ổn định vì họ nhận ra việc làm là biểu tượng của sự tôn trọng. Nếu tội phạm làm việc, nhưng người khác sẽ ít nghi vấn hơn về cách sử dụng thời gian của anh ta. (Thường thì bố mẹ, vợ/chồng và người tư vấn sẽ nghĩ tội phạm đang sửa chữa những sai lầm chỉ vì anh ta có một công việc). Khi chọn cách nỗ lực trong một công việc, anh ta nhanh chóng học hỏi mọi thứ và tràn đầy năng lượng. Anh ta được ông chủ đánh giá cao và thăng tiến trong công việc. Ít nhất là trong một khoảng thời gian, anh ta sẽ được ghi nhận bởi vì điều đó thể hiện công khai những gì trong thâm tâm mà anh ta chắc chắn ngay từ đầu - rằng anh ta vượt trội hơn bình thường. Nhưng đó là tất cả những gì được thể hiện vì anh ta vẫn không nghĩ mình là một người làm việc bình thường như những đồng nghiệp khác, và rất có thể khinh thường công việc và cả những người đã đề bạt anh ta. Tuy nhiên, anh ta biết rằng, giống như việc đạt được điểm số tốt ở trường giúp anh ta hoặc bạn bè giải quyết được những vấn đề bên lề thì một bản sơ yếu lý lịch ấn tượng cũng có thể như vậy.

Tội phạm thường sử dụng công việc nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động phạm tội. Các doanh nghiệp phải hứng chịu nhiều hành vi trộm cắp từ chính nội bộ nhiều hơn là từ các khách hàng. Các nhân viên bỏ trốn cùng với số hàng hóa trị giá hàng triệu đô la và biển thủ một số lượng tiền mặt đáng kể. Người ta ước tính rằng có 30% - 60% thất bại của doanh nghiệp nhỏ là do hành vi trộm cắp của nhân viên. Ngoài ra, các công ty phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống máy tính. Một nghiên cứu năm 2013 dựa trên một mẫu đại diện của 60 tổ chức trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau chỉ ra tổn thất chi phí trung bình do tội phạm mạng gây ra là 11,6 triệu đô la mỗi năm, trải dài trong phạm vi từ 1,3 đến 58 triệu đô la trên mỗi công ty. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề trộm cắp trên mạng, trong đó tội phạm sử dụng máy tính để lừa đảo, tham ô, cũng như đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc tài chính. Theo báo cáo trên một ấn phẩm của tạp chí Forbes, đánh cắp bí mật thương mại ảnh hưởng đến các công ty đến mức họ “bị thiệt hại về tài chính, buộc phải giảm bớt việc làm và thu hẹp quy mô hoặc thậm chí chấm dứt hoạt động”.

 

Tiến sĩ Samenow bác bỏ một cách hợp pháp những lời giải thích về hành vi tội phạm đổ lỗi cho hoàn cảnh, môi trường (xã hội, gia đình, truyền hình bạo lực). Ông đưa ra những lời khái quát, sâu rộng và luôn cung cấp những bằng chứng xác đăng ủng hộ quan điểm của ông: Tất cả tội phạm đều vi phạm pháp luật một cách có ý thức và cố ý. Và điều quan trọng là chúng ta phải biết kẻ phạm tội là ai, làm thế nào và tại sao hắn lại hành động khác với những công dân có trách nhiệm. Từ sự hiểu biết đó, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp hợp lý, nhân ái và hiệu quả.

 

Review bởi: Yến Linh - Bookademy 

Hình Ảnh: Minh Hồng - Bookademy

Leave a comment

Your Name *

Email address *

Message

Please note, comments must be approved before they are published.