“Mùi Hương Trầm”: Hành Trình Chiêm Nghiệm Phương Đông

“Sau hơn nửa đời người tôi đã nhận ra một điều là mùi, cái mà ta cảm nhận bằng mũi, là cái để lại trong lòng sâu đậm nhất, hơn hẳn những gì ta nghe hay thấy. Hình như những cảm quan càng khó nắm bắt bao nhiêu, chúng càng đậm đà bấy nhiêu mà mùi hương trầm hẳn phải thuộc vào loại đó. Và đối với tôi, mùi hương trầm là thứ cảm quan theo tôi suốt gần cả đời!”

Mùi hương trầm là ký sự về chuyến du hành vào mùa xuân năm 1989 của tác giả Nguyễn Tường Bách tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng. Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại Thừa Thiên - Việt Nam, ông đã tốt nghiệp Tiến sỹ Kỹ thuật và hiện đang sống tại Đức. 

Là một tín đồ Phật giáo, tác giả đã dành nhiều cơ hội trong đời để viếng thăm và chiêm bái các Phật tích. Mùi hương trầm ra đời như một mối duyên tiền định, ghi lại những gì ông học được, chiêm nghiệm được thông qua hành trình tìm về cội nguồn tâm linh. 

Ba trung tâm Phật giáo lớn trên thế giới được biết đến là Ấn Độ - điểm khởi nguồn, Trung Quốc - xứ xở của Bồ tát, và Tây Tạng - nơi tôn giáo vừa huyền bí vừa siêu việt, lần lượt hiện lên đầy thực tế dưới ngòi bút của tác giả. Trải dài hầu hết các nền văn hoá lớn của phương Đông, Mùi hương trầm không chỉ gợi mở sự chứng ngộ của chính người viết, mà còn khai quật cảm quan minh triết của người đọc. Đây là cuốn du ký không thể thiếu trong bộ sưu tập của những ai đam mê khám phá văn hoá, con người, tôn giáo và nền triết học kỳ bí của phương Đông. 


1. Ấn Độ

Nhà văn Nguyễn Tường Bách hăm hở lên đường đi Ấn Độ vào đúng ngày Tết dương lịch. Máy bay hạ cánh ở Delhi, những địa điểm đầu tiên ông đặt chân đến ở Ấn Độ thuộc khu vực dưới chân dãy núi có nóc nhà thế giới. 

“Đó là quê hương của Gandhi, một vùng bán đảo rộng lớn với Hy Mã Lạp Sơn, với Hằng Hà đầy cát. Tôi biết Ấn Độ chỉ giản đơn như thế, nhưng điều đậm nét trong tôi là: Đây là xứ sở huyền hoặc, hầu như được bọc trong một tấm màn thần thoại.”

Tác giả đến với Ấn Độ với mục đích là giới thiệu sản phẩm máy phát điện của công ty ở Đức. Trong mắt ông, tiểu lục địa này không chỉ có những điều kỳ lạ mà con người cũng rất mâu thuẫn. Đường sá đầy xe cộ, mùi xăng khét lẹt và những chiếc taxi nội hoá cũ kỹ, bốn bánh mòn nhẵn. Chỉ cần quan sát vài ngày sẽ phát hiện ra Ấn Độ là vùng đất mà cư dân mang nặng đầu óc tôn giáo: tài xế taxi thắp nhang liên tục để cầu khẩn vị thần bảo hộ nào đó; bò - vật cưỡi của thần Shiva - đi đứng nằm ngồi hết sức tự nhiên trên đường phố; khỉ - hình tượng của thần Hanuman - cũng góp quân số đông không kém ở khu vực ngoại thành Delhi. 

Vậy thì mâu thuẫn ở chỗ nào? Thời gian nhiều tuần lưu trú cho phép nhà văn Nguyễn Tường Bách thăm thú và tìm hiểu kỹ hơn về đời sống hay tập tục tại đây. Nhưng rất khó để thân cận với người Ấn. 

“Lạ thay, đối với thú vật thì họ gần gũi và đối với con người thì họ xa cách.” 

Ấn Độ là đất nước có sự phân biệt giai cấp rõ rệt nhất. Tầng cao nhất là các tăng lữ Bà la môn, cấp thấp nhất gọi là dalit (tiện dân) và không được tính vào nhóm bốn đẳng cấp của Ấn Độ. Người thuộc lớp tiện dân bị hạn chế về nhiều mặt trong đời sống xã hội, bị các giai cấp khác cho là “không đáng đụng tới”, thậm chí phải sống ở khu vực riêng biệt và không thể vào đền thờ,... Đó cũng là lý do vì sao Phật giáo dù bắt nguồn từ đây rồi lại bị chính hậu bối đào thải và ngày càng suy yếu. Người Ấn không chấp nhận “chúng sinh bình đẳng” bởi truyền thống phân giai cấp đã ăn sâu vào đầu óc họ đến ngàn năm lịch sử. Họ cho rằng đạo Phật chỉ là cái phao để những kẻ tiện dân bám lấy, như một cách xoa dịu tinh thần khi các quyền lợi của bản thân trong xã hội bị hạn chế. 

Không giống như thế sự, dãy Hy Mã Lạp Sơn vẫn đồ sộ và uy lực. Học thuyết kiến tạo mảng tuyên bố rằng dãy núi cao nhất hành tinh này là kết quả của sự va chạm giữa hai mảng lục địa Ấn-Úc và Á-Âu vào khoảng 40 triệu năm trước. Govinda, tác giả cuốn Con đường mây trắng, cho rằng mỗi ngọn núi có một “nhân cách”. Nhà văn Nguyễn Tường Bách tiếp cận Hy Mã Lạp Sơn chính là đang đến gần với tính cách sống động và đa dạng của nó, như đang làm quen một người bạn mới. 

Ra khỏi Dehli, rời khỏi các lâu đài tráng lệ, các nơi nghỉ mát danh tiếng và đi sâu hơn vào xã hội Ấn Độ. Tác giả đã ghé thăm sông Hằng, một trong những dòng chảy gắn liền với một nền văn minh. Sau đó là núi Linh Thứu, nơi Đức Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ông cũng tìm đến “tứ động tâm” trong Phật giáo để chiêm bái và thắp nén hương mà mình mang theo từ quê nhà. 

Chia tay Ấn Độ với lòng ngậm ngùi khi chứng kiến các phế tích hoang tàn đổ nát bởi thay đổi của thời cuộc, đất nước mà đến trong bỡ ngỡ nhưng rời đi trong xao xuyến. 


2. Trung Quốc

Tác giả ngồi trên máy bay băng qua sa mạc Gobi và vào lãnh thổ Trung Quốc từ phía Tây - con đường mà tơ lụa theo các thương nhân cổ xưa đi khắp thế giới, con đường truyền bá đạo Phật của Cưu-ma-la-thập, Pháp Hiển, Bồ-đề-đạt-ma, Huyền Trang,... Việc đầu tiên ông làm khi đến thủ đô Bắc Kinh là đi thăm Vạn Lý Trường Thành. 

“Về sau khi khắp Trung Quốc, tôi hay nhớ lại cái vĩ đại của Trường Thành để thấy một điều: Đây là một nước lớn và dân nước đó không chịu nổi những gì có kích thước nhỏ bé.”

Trung Quốc vươn dài từ biển Đông đến phía tây ở tận các nước cộng Hòa của Liên Xô cũ, trải rộng từ bình nguyên lưu vực Hoàng Hà đến cao nguyên Tây Tạng. Không khác chúng ta là mấy, người khổng lồ phương Bắc có đến 56 dân tộc. Dĩ nhiên cũng có không ít nhân vật ghi danh vào công cuộc phát triển văn minh nhân loại. Phật giáo ở Trung Quốc ngày nay phát triển không kém gì tư tưởng của Khổng Lão. 

“Bắc Kinh là kinh đô của ba triều đại Nguyên, Minh, Thanh từ thế kỷ 13. Đó là ba triều đại tôn sùng đạo Phật nên tại Bắc Kinh và các vùng phụ cận, ta thấy còn vô số chùa chiền.”

Cũng giống như Ấn Độ, Phật giáo Trung Quốc phải trả qua nhiều pháp nạn, có điều kết quả là giữ được vị thế vững vàng đến ngày nay thay vì diệt vong. Tác giả đã rảo bước đến các ngọn núi thiêng, là đạo tràng của Bồ tát: Ngũ Đài Sơn (Bồ tát Văn Thù Sư Lợi), Nga Mi Sơn (Bồ tát Phổ Hiền), Cửu Hoa Sơn (Bồ tát Địa Tạng), Phổ Đà Sơn (Bồ tát Quan Thế Âm). Giữa các chặng đường đó, tác giả cũng dừng chân tại Tứ Xuyên - nơi đặt kinh đô của nước Thục thời Tam Quốc. Ngày nay, Tứ Xuyên nổi tiếng với khu bảo tồn các loại gấu trúc quý hiếm, nhưng lại khiến ông bồi hồi khi thăm đền Vũ Hầu. 

Chưa hết miên man nghĩ về cái thời cuộc Tam quốc chí, ông lại ngỡ ngàng trước công trường khổng lồ với nhịp độ thi công tấp nập như bị cuốn theo dòng nước cuồn cuộn của Trường Giang - đập Tam Hiệp. Người dân nơi đây cũng không còn quan tâm đến các trận chiến của Tào Ngụy, Thục Hán hay Đông Ngô, chỉ biết rồi đây sẽ có một đập nước vĩ đại mà khi vận hành sẽ ảnh hưởng đến cả trục quay của Trái đất. 

“Tôi là một trong những người cuối cùng được nhìn thấy tam hiệp. Sẽ không còn ai nhắc đến Xích Bích nữa, nó đã chìm trong đáy nước.” 

Hành trình trên trên đất Trung Hoa ông còn ghé Hàng Châu, Cô Tô, Ninh Ba. Xuyên suốt đất nước bao la này, ông ôm nỗi niềm của một tín đồ mong được khám phá để nghĩ ngợi với vô vàn kỳ quan Phật giáo. 

“Các thiên tài tôn giáo Ấn Độ cần phải có một miếng đất đã cày bừa sẵn như Trung Quốc để tư tưởng họ có thể đơm hoa kết trái.”

Từ nguồn Phật giáo Đại thừa của Trung Hoa, các dòng truyền thừa lan rộng sang Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do vậy mà suốt hành trình tại Trung Hoa, tác giả nhận thấy mình như đang trong những cảnh chùa quen thuộc. Nền học thuật Trung Quốc cũng thâm sâu không kém cạnh Ấn Độ, cũng là người tiên phong khai sáng văn minh nhân loại. Cả hai có chung một dãy Hy Mã Lạp Sơn, ở giữa hai đất nước còn có một vùng đất kỳ lạ luôn thôi thúc tác giả đặt chân đến - Tây Tạng. 

 


3. Tây Tạng 

Muốn đến Tây Tạng từ Trung Quốc, lúc bấy giờ, phải có giấy phép thông hành đặc biệt, nên nhà văn Nguyễn Tường Bách chọn đi tour do văn phòng du lịch ở Thành Đô tổ chức. Để đến được nơi có độ cao 4500 mét, dân cư lại thưa thớt, nhất định phải ngồi máy bay đi từ đông sang tây Trung Hoa đại lục và hầu như ai muốn đến Tây Tạng cũng đều phải như thế. 

Ông cảm giác vô cùng đặc biệt trong khoảnh khắc đặt chân đến một nơi mà lũng thấp của nó còn cao hơn cạc ngọn núi của miền đồng bằng. Tác giả cũng tò mò không kém về các vĩ nhân sống đời viên ly trên sườn núi để hành trì thiền định.

Phật giáo du nhập Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7, trong lúc đang ở thời kỳ đỉnh cao tại Trung Quốc. Tại đây, nơi Phật giáo thậm chí còn đạt đến mức siêu việt hơn cả Đại thừa. Thủ phủ của Tây Tạng - Lhasa được mệnh danh là “thành phố của chư thiên”, dù ngày nay đã bị các nhà cai trị biến thành một đô thị thế tục bình thường. Đền Jokhang do hoàng hậu của vua Tùng Tán Cán Bố xây dựng gần một khu chợ, nơi thờ bức tượng Đức hạnh cao quý mà tác giả luôn mong chờ để chiêm ngưỡng. Và dù cho có dùng cặp mắt tôn giáo hay cặp mắt nghệ thuật khách quan ông vẫn thấy đó là một bức tượng tuyệt hảo.

Nhắc đến Tây Tạng không thể bỏ qua biểu tượng mà các tấm postcard được bày bán khắp nơi đều có in hình - điện Potala. Đó là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng, trước đây từng là cung điện của hoàng gia. Dù mang dáng vóc uy nghi bề thế, nhưng điện Potala vẫn hết sức hài hoà với khung cảnh xung quanh. Cảnh quan trong tầm mắt mà tác giả nhìn thấy được khi đứng trên đó, cũng tầm cỡ không kém. Vào trong nội điện, đứng trước tượng Liên Hoa Sinh - người đầu tiên mang Phật giáo đến Tây Tạng, tác giả không kìm được đau lòng khi nghĩ con đường chính sự thăng trầm nơi đây mà hỏi: 

“Hỡi Liên Hoa Sinh, ngày xưa Ngài đã hàng phục âm binh sao ngày nay không ra tay với các loại ma quái tân thời?”

Tây Tạng ngày nay đang dần bị Hán tộc đồng hoá, tương tự như Việt Nam ta xưa kia. Những đại lộ thênh thang do người Hán xây dựng lưa thưa vài bóng người tay cầm vòng xoay kinh luân, bưu điện trung tâm, ngân hàng, đâu đâu cũng có lính lệ bồng súng đứng canh dù không có ai đến gọi điện hay giao dịch tiền bạc. Ngôn ngữ, văn hoá của người Hán cũng dần xâm chiếm Tây Tạng, dân bản địa trở thành những lao động cấp thấp làm việc cho chủ cả người Hán trong các tiệm ăn, nhà nghỉ,... Rất nhiều các công trình tôn giáo đã bị phá huỷ bởi các hồng vệ binh trẻ tuổi được cử đến theo Cách mạng Văn hoá. 

Chính trong cuốn sách này, tác giả đã gửi gắm phần nào tâm tư của riêng mình khi chứng kiến một nền văn minh độc đáo đang suy tàn. Với ông, nó thậm chí còn hơn một nền văn minh, nó là Kim cương thừa Phật giáo, là bước phát triển vượt bậc của Phật giáo sau hai vùng đất to lớn Ấn Độ và Trung Quốc. 

Nhưng không thứ gì ngăn được dòng chảy thời gian, chính Đức Phật cũng nói giáo pháp của Ngài rồi cũng sẽ diệt vong như mọi chuyện trên đời. Có sinh ắt có diệt là quy luật không thể khước từ. 

 


Hành trình chiêm nghiệm phương Đông (cảm nhận sau khi đọc)

Mỗi dấu chân của ông không ồn ào, gấp gáp, hoàn toàn không có cái chộn rộn của xu thế du lịch như hiện thời. Ngược lại, chính phong thái chậm rãi, từ tốn, nhà văn Nguyễn Tường Bách dẫn người đọc vào một làn hương trầm bằng sự nhìn thấy từ con mắt bên trong nội tâm.

Ấn Độ - một trong những trung tâm văn minh của nhân loại, là quê hương của đại thi hào Tagore, là cái nôi của Phật giáo,... Đây là nơi mà tác giả cho rằng phải ngắm Taj Mahal lúc nửa đêm, còn ban ngày thì nhìn cái nghèo đói. Người đọc hoàn toàn lĩnh hội được ông đã nếm cái bụi bặm của những làng quê buồn tẻ và đi lạc trong sắc màu rực rỡ, ồn ào của các khu chợ như thế nào. Chưa hết, ông đã ngạc nhiên khi thấy những đám rước tôn giáo náo nhiệt và say mê, tương tự như khi thấy những đàn bò hay cơ man nào là khỉ chung sống với cư dân. Thiên nhiên Ấn Độ dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Tường Bách mang dấu ấn sắc nét với dòng sông, núi tuyết và cả với sức nóng tàn khốc của sa mạc. 

Đối mặt với kẻ ngoại quốc như tác giả, người Ấn dường như phân vân giữa hai bộ mặt, không biết nên tự hào hay tự ti. Họ biết rõ văn hoá và học thuật của nhân loại một phần khởi xướng từ bán đảo mênh mông nơi họ đang sống. Nhiều ngọn đuốc soi sáng cho hậu thế cũng là vĩ nhân của đất nước họ. Có được thế giới văn minh và triết lý tôn giáo như ngày nay cũng phần lớn là công sức của Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ đương thời thuộc nhóm các quốc gia lạc hậu, đa số người dân trải qua đời sống thiếu thốn mỗi ngày, ô nhiễm môi trường hoành hành cộng thêm đủ thứ chứng bệnh xã hội khác. Tác giả miêu tả họ lúng túng không thể định nghĩa giữa mình và thương nhân ngoại quốc ai hơn ai kém. Họ khắc khoải trong mình sự đau khổ của một nhà quý tộc khánh kiệt. 

Khi vãn cảnh ở Simla, tác giả như bị hớp hồn bởi vẻ uy nghi, xa cách nhưng hiền hậu của những đỉnh núi tuyết được ánh mặt trời trải vàng như rót mật. Ngọn núi tuyết trong áng văn của ông mang tính cách như một vương giả nhưng lại không kiêu mạn, chỉ đứng im chào đón con người đến với mình chứ không vồn vã. 

Với tấm lòng của người con Phật, nhà văn Nguyễn Tường Bách đến đỉnh Linh Thứu, lắng nghe tiếng gió và cảm nhận trừu tượng rằng bản thân đang đứng ở chỗ linh thiêng. Từ đó nhìn xuống Vương Xá giờ đây chỉ còn là con đường chạy giữa hai triền núi, tác giả lẫn độc giả đều là người trần mắt thịt nên chỉ cảm nhận trong lòng có những nỗi u hoài. 

Trung Quốc thì khác, đó là nền văn minh vẫn còn hiện hữu và nhận được sự tôn trọng. Núi non của Trung Quốc hùng vĩ và là suối nguồn của thơ văn, của nghệ thuật. Sông của họ là những dòng chảy mãnh liệt như “thiên thượng thuỷ” do phát khởi từ cao nguyên Tây Tạng. 

Sau khi thăm các đền đài, chùa tháp, điều làm ngòi bút của tác giả khâm phục không phải là cơ đồ sự nghiệp vĩ đại mà là phẩm chất của các bậc tiền nhân như Khổng Minh, Lưu Bị, hay các vị Bồ tát. 

Hàng trăm năm trước Công nguyên, nhiều nơi trên địa cầu còn đang mơ ngủ, Trung Quốc đã bắt tay vào công cuộc trị thuỷ, tiến hành dựng nên những công trình vĩ đại trước sự trầm trồ của hậu thế ngàn năm sau. Toà văn minh Trung Hoa được vun bồi nền móng vững chãi từ Lão giáo và Khổng giáo, với dân tộc Hán, đó là hai thái cực luôn bổ túc lẫn nhau. Họ quá đỗi tự hào và cho rằng đất nước mình là một thế giới tách bạch mà không chấp nhận điều gì du nhập từ bên ngoài. Phật giáo gia nhập vào đây từ thế kỷ thứ nhất, sau khi hai giáo phái xương tuỷ đã định hình được hơn năm thế kỷ. Phải có lý do nào đó để Hán tộc sẵn sàng tiếp thu và tôn thờ “người ngoại quốc” đến từ Tây Vực là Đức Thích Ca Mâu Ni? 

Tác giả lý giải rằng bằng cách nào đó tư tưởng Đại thừa đã đáp ứng đúng đòi hỏi học thuật và tôn giáo của người Trung Quốc. Giáo lý Đại thừa thích hợp với người Trung Quốc ở chỗ con người có thể trở thành Bồ tát, sẵn sàng xả thân cứu độ con người. Ngược lại với hình ảnh của các đạo sĩ cưỡi hạc rong chơi đi mây về gió, đầu óc thực tiễn và đầy tính xã hội của người Trung Quốc không cho phép bản thân quay lưng với xã hội.

Phật giáo Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất đến nay đã hưng thịnh hơn hai ngàn năm và để lại dấu ấn sâu đậm. Từ các hang động Mạc Cao, Đôn Hoàng ở phía tây cho đến các quần đảo cực đông như Phổ Đà Sơn, từ Bắc Kinh lạnh lẽo cho đến phương nam ấm áp, tác giả nhận thấy tự viện Phật giáo lấn át hẳn đền đài đạo sĩ hay nho sĩ. 

Chuyến du hành với vai trò một thương nhân, nhưng bên trong lại mang theo tâm hồn của một nhà văn, Nguyễn Tường Bách không chỉ nhạy cảm với con người, mà còn mượn cảnh dọc đường hoài niệm về những áng thơ văn. Giang Châu, một vùng gấm hoa thơ phú đời Đường tất nhiên không khỏi nhớ lại Trường hận ca mà Bạch Cư Dị viết cho Dương Quý Phi, hay Tỳ bà hành khóc cho đời một kỷ nữ… 

Còn với Tây Tạng, hiện thực đẫm lệ khiến tác giả ngậm ngùi đau lòng còn người đọc bồi hồi tiếc thương. 

Đối với người Tây Tạng, sống là để phục vụ đạo pháp, mục đích là để vươn tới đỉnh cao của tâm linh trong khi vật chất chỉ đơn thuần là phương tiện. Không phải chỉ có giới học thức, mà hầu như toàn bộ xã hội Tây Tạng đều có quan niệm như thế. Do vậy cái chết với họ chẳng qua là một giai đoạn trong vòng lặp luân hồi. Họ không cảm thấy sợ hãi, thậm chí khi một người rời khỏi sự sống còn xem đó là cơ hội để bố thí thân thể cho chim muông ăn thịt (tục điểu táng). 

Không biết rồi đây ai có thể lật ngược được thế cờ sắp thua của Tây Tạng, trong khi một lời tiên tri nói rằng Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 là hiện thân cuối cùng và sẽ không tái sinh lại nữa. Đời sống Tây Tạng cũng rẽ sang một hướng mới, mọi người đang từng ngày đánh mất quá khứ của dân tộc mình nên không dễ gì có thể quay lại như cũ. Đến trụ cột tinh thần tối cao của Tây Tạng cũng không thể trở về cố hương thì số phận của Tây Tạng coi như được an bài trở thành khu tự trị của một cường quốc. 

Rời Tây Tạng, hơn bốn trăm trang sách khép lại, hành trình chiêm nghiệm phương Đông của Nguyễn Tường Bách trong Mùi hương trầm kết thúc với sự ngậm ngùi của người viết và lưu luyến của người đọc. 


--------------------------------------------------

Tóm tắt bởi: Anh Thư - Bookademy

Hình ảnh: Anh Thư

Leave a comment

Your Name *

Email address *

Message

Please note, comments must be approved before they are published.