“Khi Bạn Vừa Bận Vừa Đẹp, Còn Sợ Chi Được Mất”: Chân Dung Của Một Người Phụ Nữ Văn Minh & Hiện Đại
| Sách Tiếng Việt
Nối tiếp sự thành công của Một Lần Đến Nhân Gian, Phải Sống Đời Rực Rỡ của tác giả Lương Sảng, Khi Bạn Vừa Bận Vừa Đẹp, Còn Sợ Chi Được Mất là một bản tuyên ngôn cho những người phụ nữ muốn sống một cuộc đời mình mong muốn. Chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ sống, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tích cực và tốt đẹp hơn.
Sau đây là đôi dòng chia sẻ về những trải nghiệm của chính tác giả về cuộc sống thường nhật và những “bí kíp” sống để giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn.
| Hãy xử lý công việc trước, sau đó mới xử lý đến tâm trạng
Chúng ta thường hay có xu hướng tập trung phần lớn thời gian vào việc cải thiện tâm trạng của mình một khi có một sự việc không hay xảy đến. Thay vì tập trung vào xử lý vấn đề trước mắt, chúng ta lại để cho mạch cảm xúc của chính mình lấn át và khiến cho công việc trở nên trì trệ hơn.
Dần dần, tôi hiểu được rằng, điều quan trọng là phải xử lý sự việc trước, sau khi giải quyết xong sự việc đó, tâm trạng tiêu cực cũng sẽ theo đó mà tiêu tan, thậm chí còn có cảm giác thành tựu. Nếu như lúc nào cũng ném sự việc qua một bên, vội vàng xử lý tâm trạng, cảm xúc trước, bạn sẽ đắm chìm trong mạch cảm xúc của mình không sao thoát ra được. Sức lực, ý chí, tinh thần sẽ dần hao mòn, lại gây ra thêm rất nhiều vấn đề mới. Đến lúc đó, cả sự việc và tâm trạng của bạn đều bị phá hỏng.
Khi có một vấn đề phát sinh với khách hàng, hay nhận được “feedback” từ khách hàng, điều bạn cần làm là đánh giá lại kỹ lưỡng, xác định lại yêu cầu và mong muốn của khách hàng, tổng kết lại điều gì gây ra vấn đề, sau đó tìm cách để sửa chữa và đàm phán lại ngay sau đó. Điều mà chúng ta hay mắc sai lầm là đắm chìm vào cảm giác “bực bội” và khó chịu, luôn cho rằng mong muốn của khách hàng là “không hợp lý” và luôn đắm chìm vào cảm xúc “lạc trôi” của mình. Kết quả là, sau khi phát tiết cảm xúc xong, lại phải tốn rất nhiều công sức mới tiến vào trạng thái làm việc lần nữa, thậm chí còn phải tăng ca để xử lý việc đó.
Còn có một số cá nhân khi tâm trạng không vui, có thể do người yêu làm cho tức giận, đặc biệt là các cô gái, liền lập tức đi mua sắm để giải tỏa tâm trạng. Việc một thứ gì đó để chiều chuộng bản thân là một việc không hề quá đáng, tuy nhiên nếu cứ hễ tâm trạng không vui và bực dọc mà tiêu tiền một cách “tan hoang” như vậy thì người chịu thiệt thòi chỉ có thể là chính bạn mà thôi.
| Hãy là một người phụ nữ có lý trí
Điều này có liên quan mật thiết đến ý trên. Khi bạn có lý trí, bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Thay vì phản ứng với bất cứ chuyện gì bên ngoài, chi bằng hãy tìm ra nguyên nhân sâu xa cho sự việc vừa mới xảy ra. Đừng quá vội vàng và bộp chộp trong cách xử lý vấn đề của mình. Một người lý trí, cả nam giới và nữ giới đều luôn luôn khoác lên mình một sự thần thái và tự tin.
Theo Lương Sảng, cô cho rằng khi tâm trạng không vui, hãy tự hỏi bản thân: Tâm trạng không vui là do việc hay do người?
Nếu là do việc, hãy sử dụng “phương pháp bốn góc” (phương pháp quản lý thời gian Ma trận Eisenhower).
Trong đầu tôi, ngay lập tức vạch ra hai mũi tên hướng về bên phải (khẩn cấp) và hướng lên trên (quan trọng) tạo thành bốn góc vuông. Những việc khẩn cấp dù có quan trọng hay không đều phải hoàn thành trước. Nếu nó nằm ở góc quan trọng, nhưng không khẩn cấp thì hãy phân nhỏ việc đó ra. Nếu không khẩn cấp thì hãy tâm trạng bay bổng, thoải mái hơn một chút cũng không sao. Nếu việc đó không nằm trong góc quan trọng lại không khẩn cấp, hãy mau chóng quên chuyện đó đi, sao cho mình vui vẻ là được.
Nếu là do người, hãy sử dụng “phương pháp bốn góc gối”. Phương pháp này ám chỉ đến các mối quan hệ của con người. Con người thường dùng lời nói để làm tổn thương lẫn nhau. Nếu những lời nói của đối phương khiến bạn không vui, hoặc các bạn cãi nhau gay gắt đến mức không thể làm hòa được, vậy thì hãy thử cách này.
Chiếc gối có bốn góc, góc đầu tiên là “tôi đúng, người khác sai”, góc thứ hai là “tôi sai, người khác đúng”, góc thứ ba là “cả hai cùng đúng, cũng cùng sai”, góc thứ tư là “chuyện này không quan trọng”.
Khi bạn nghĩ xong xuôi những việc này, tâm trạng của bạn cũng sẽ vơi đi phần nào. Co nhiều khi cảm xúc đến nhanh mà đi cũng nhanh, đừng quá đặt nặng cảm xúc hay tâm trạng của mình. Hãy lý trí một chút, điều này sẽ giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề. Vì vậy, khi gặp vấn đề hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến cho tâm trạng mình bị ảnh hưởng trước, xử lý việc trước mắt ngay nhé.
Có nhiều khi nên đặt cảm xúc, tâm trạng vào một góc tối, đừng lấy riêng nó ra đặt lên giữa sân khấu, còn chiếu đèn thêm hào quang cho nó, sẽ làm trễ nải những việc bạn vốn nên làm, ấy là việc không thực sự cần thiết, càng không đáng.
| Kim chỉ nam chống bực dọc cho các cô gái thành thị
Đã bao giờ bạn nghe những lời tâm sự như thế này chưa?
“Dạo này đang giảm béo, thời tiết thì đang lạnh nên cứ hay thèm ăn, nhưng mình đã phải tự đe dọa bản thân trước rồi, hạn chế ăn rồi, sau đó lại tự thôi miên mình rằng mình đã no. Đến bảy, tám giờ tối, đói hoa mày chóng mặt vẫn cắn răng chịu đựng. Cuối cùng, nhịn đến khoảng chín giờ, mười giờ lại ăn như hổ đói để báo thù.”
“Sau khi chia tay, tiêu chí để chọn bạn đời ngày càng tiêu cực hơn. Yêu đương với người có tiền thì sợ quan điểm chi tiêu không giống nhau, tìm người không có tiền lại lo chất lượng cuộc sống bị sa sút. Tìm người hiểu biết rộng thì lo mình không đủ sức hút với người ta, tìm người có ngoại hình đẹp lại lo mình không nổi bật.”
Đó là hai trong nhiều trường hợp thể hiện tính “hay bất mãn” của đại đa số mọi người. Có người thì hay bất mãn về những việc chưa xảy ra, rồi lo âu và phiền muộn. Có người thì hay bị cảm xúc của người khác tác động trong các mối quan hệ. Sau đây là một vài lời khuyên cho những ai đang chiến đấu với “tính hay bất mãn” của mình.
Thứ nhất: Đừng bực dọc vì những chuyện chưa xảy ra
Chúng ta thường hay lo lắng về những sự việc thường không có khả năng xảy ra. Yêu phải một người cẩn thận và quá chi tiết thì lại lo sợ rằng sau này họ sẽ tính toán mọi thứ với mình.
Sinh viên mới ra trường chỉ lo nếu đi làm luôn, không có được trình độ học vấn cùng bảng điểm đẹp thì sẽ khó tìm được một công việc đúng theo lý tưởng của mình. Học lên cao thì lại sợ chuyên ngành mình đang học khó tìm được việc làm, chuyện này khiến không biết bao nhiêu người mất ngủ.
Theo tôi thấy, đời người không có chuyện một bước là đến đích được, phải chia thành từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều có vai trò riêng, cần phải lựa chọn dựa vào tình hình thực tế trước mắt. Dù phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn đến đâu, so với việc rối rắm, trăn trở vì những chuyện chưa xảy ra, chi bằng hãy tập trung hết tinh thần và sức lực cho hiện tại, làm những điều ý nghĩa hơn.
Cứ bực dọc, bất mãn thì sẽ không dẫn cuộc đời bạn đi tới đâu. Bạn phải hành động để cải thiện tình hình trước đã.
Thứ hai, đừng dễ dàng bị tác động bởi người khác
Có rất nhiều người chỉ vì những hành động nhỏ của người khác lại khiến cho tâm trạng mình thay đổi một cách phức tạp. Đăng bài lên mạng lại sợ người đọc suy nghĩ lung tung, bạn bè không nhấn “like” lại khiến tâm trạng càng nặng nề, nghi ngờ những lời đồng nghiệp nói liệu có phải là xỉa xói, đá đểu đến mình hay không… Đọc đến đây, bạn có thấy chính mình trong đó không? Thật ra, có rất nhiều việc chỉ bạn một mình tự tưởng tượng rồi tự sinh ra phiền não mà thôi. Bạn nên học cách “cách ly” những cảm xúc tiêu cực từ người khác. Nếu như lúc nào cũng ôm hết những lời chỉ trích của người khác vào mình, sống theo cảm xúc của người khác sẽ chỉ thêm bực dọc và bất mãn mà thôi.
Thứ ba, thay vì trì hoãn và lấn cấn, hãy mau bắt tay vào làm cho xong
Có những vấn đề chúng ta thường hay trì hoãn vì nỗi sợ. Chúng ta sợ thất bại, sợ bị người khác đánh giá, sợ bị xem thường, vv. Có rất nhiều nỗi sợ trước khi chúng ta bắt tay vào hành động. Sau đây là một vài ví dụ:
Bạn cảm thấy hành động và lời nói của mình có thể sẽ làm tổn thương người khác, tại sao lại không lấy hết can đảm để xin lỗi họ?
Bạn lo lắng liệu kết quả phỏng vấn của mình có khả quan không, tại sao lại không nhấc máy lên và gọi hỏi thăm quy trình tiến hành đến đâu rồi?
Bạn cảm thấy trong người không khỏe, tại sao không đi đến bệnh viện khám mà lại lên mạng tra cứu rồi tự hù dọa chính mình?
Một vấn đề vốn có thể giải quyết nhanh chóng, nhưng bạn lại trì hoãn, cứ nhất định loay hoay, bực dọc suốt bao nhiêu lần. Những lúc như thế, hãy xác định rõ ràng mình cần phải làm gì, xác định rõ giới hạn cuối cùng của mình, cho bản thân một kỳ hạn nhất định. Đến thời điểm đó, hãy thôi thúc chính mình hành động.
Vì vậy, thay vì bất mãn, oan thán cuộc đời sao quá bất công, chi bằng hãy bắt tay vào hành động. Kiểm soát cảm xúc và tâm trạng của mình, làm những việc mang tính xây dựng. Hãy lựa chọn một cuộc sống có ý nghĩa hơn là bị động phản ứng với mọi chuyện.
Nghĩ ngợi quá nhiều, ngập ngừng do dự, đó chính là sự bào mòn lớn nhất đối với chính mình. Càng những lúc như thế, bạn càng phải nắm rõ mục tiêu, nhanh chóng dừng lại, tiến hành thay đổi mang tính xây dựng.
| Điều chỉnh lại cách nói chuyện với những xung quanh, đặc biệt là người thân của chúng ta, thể hiện sự giáo dục cơ bản nhất
Trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng và những người thân trong gia đình, lời nói là thứ có thể hủy hoại người khác nhất. Có những việc rất nhỏ nhặt và chỉ cần cùng nhau nhìn nhận vấn đề và chia sẻ những khó khăn với nhau bằng những ngôn từ nhẹ nhàng thì vấn đề sẽ không trở nên quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu như nhìn vào thực tế thì không như vậy. Có một số người khi gặp chuyện với vợ/chồng, đồng nghiệp hay bạn bè đều làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Họ dùng lời nói để đả kích đối phương, làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.
Sau đây là một vài ví dụ, đặc biệt là những người thân trong gia đình:
“Anh/em đã nói bao nhiêu lần rồi?”
“Không thấy anh/em đang bận à?”
“Anh/em lúc nào cũng như vậy.”
“Anh/em nói nãy giờ mà vẫn không hiểu à?”
Những câu nói như thế này, chắc hẳn chúng ta đã nghe quá nhiều lần trong đời sống thường nhật. Bạn hãy thử tưởng tượng, khi nghe những lời nói này, bạn cảm thấy thế nào? Một chút bực dọc, một chút không thoải mái, nghiêm trọng hơn là cảm giác bị xem thường và bị cho là ngay cả việc nhỏ như thế mà cũng không tiếp thu và làm được.
Thật ra chúng ta có thể khiến cho các mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn thông qua tự điều chỉnh lời nói của mình. Hãy cùng nhau chia sẻ và bày tỏ sự chân thành của mình cho đối phương một cách nhẹ nhàng và ấm áp, mà không gây ra bất kỳ sự kỳ thị hay căm ghét nào.
Thay vì nói: “Cái này em đã bảo anh bao nhiêu lần rồi?” thành “Thật ra chuyện ngày ngay từ đầu, có thể em nói không rõ ràng lắm nên anh chưa nắm rõ ý em.”; hay từ “Không thấy anh/em đang bận sao?” thành “Đợi anh/em làm nốt cho xong việc này đã, được không?”, hoặc từ “Anh lúc nào cũng khiến cho em khó chịu” thành “Hôm nay khi anh làm như thế em cảm thấy rất buồn”. Chuyện nào ra chuyện đó, không chụp mũ lung tung. Khi chúng ta nhẹ nhàng với nhau thì bầu không khí cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn là cáu gắt và phát tiết cảm xúc của mình.
Điều này cũng hoàn toàn đúng trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Đừng cố gắng nói : “Tất cả những gì cha mẹ làm đều muốn tốt cho con thôi”, “Con cứ nghe cha mẹ, không sai vào đâu được.” Thoạt đầu, nghe có vẻ cha mẹ rất tốt nhưng khi nhìn kỹ thì những hành động và lời nói như thế chỉ khiến cho trẻ con cảm thấy áp lực hơn thôi. Cha mẹ có thể thay đổi cách nói thành: “Trước kia, cha mẹ cũng thử điều đó rồi, hiệu quả khá là tốt.”, hay “Có người nói như thế rất hay, hay là con thử xem sao.”
Chỉ đơn thuần chia sẻ kinh nghiệm và cách làm của bản thân, trao quyền lực chọn cho đối phương, đó là biểu hiện của sự tin tưởng và tôn trọng.
Chúng ta thường hay chừa lại những lời khó nghe nhất cho những người thân yêu nhất của mình trong vô thức, thế mà vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Những người thực sự biết trân trọng người thân hay các mối lương duyên của mình sẽ không bao giờ chỉ màng tới việc xả giận, mà sẽ suy nghĩ tới việc suy nghĩ theo một lập trường khác, tìm cách nói chuyện không chứa năng lượng tiêu cực hay thử đổi hình thức diễn đạt.
Cách nói chuyện với người thân của một người sẽ phản ánh trực tiếp cách đối đáp mà người thân dành cho người đó, cũng quyết định bầu không khí của cả gia đình. Có thể nói chuyện với người thân một cách nhẹ nhàng và đàng hoàng, đó cũng là một loại tài năng.
| Các mối quan hệ trong công việc: Có thể hợp tác nhưng không cần thiết phải hợp với đám đông
Có một vấn đề luôn luôn tồn đọng trong tất cả các mối quan hệ công sở, một số mối bận tâm riêng của một số người như sau: “Không tài nào hòa hợp được với cả phòng, liệu có nên nhảy việc không?”, “Ngưỡng mộ đồng nghiệp được lòng tất cả mọi người, còn mình lại không như thế?”
Thực ra, đối với một nhân viên công sở, thành tích là quan trọng nhất. Về các mối quan hệ, chỉ cần có thể hợp tác với những người làm việc cùng, mang lại hiệu quả cao là được, không cần thiết phải hòa hợp với đám đông để rồi tự chuốc phiền não vào mình.
Công ty tuyển bạn vào để tăng lợi nhuận chứ không phải xử lý các mối quan hệ. Công việc chỉ xoay quanh các mục tiêu, xây dựng tình đồng nghiệp tốt đẹp chỉ là một cách để hoàn thành những mục tiêu đó. Chỉ cần không tranh giành công trạng của nhau, không châm chọc gây bất hòa, có thể đối xử khách sáo, lịch sự với mọi người là được rồi.
Có một điều mà bạn cần nên biết không phải việc có hòa hợp với tập thể hay không mà là văn hóa doanh nghiệp và bầu không khí làm việc rốt cuộc có phù hợp để bạn phát triển lâu dài ở đó hay không. Đồng nghiệp có nói gì trước hay sau mặt bạn cũng không còn quan trọng, không nên để bản thân bị trói buộc bởi những kỳ vọng của đồng nghiệp hay lãnh đạo. So với việc lo lắng người khác nghĩ gì, chi bằng hãy làm hết sức có thể, cống hiến và tạo ra giá trị nhiều nhất có thể. Vì vậy, ở chốn công sở, chuyên môn là trên hết, có thể hợp tác nhưng không cần phải hòa hợp với đám đông.
| Bạn cứ nghĩ đang bán mạng cho công việc, nhưng thứ thật ra bạn đang bán chính là sức khỏe của mình
Có một tình trạng chung mà tất cả chúng ta cần phải nhìn nhận đó là ngày nay chúng ta đang làm việc quá nhiều và quá sức dẫn đến sức khỏe bị kiệt quệ và dần hao mòn bản thân.
Mình đã thấy rất nhiều người chỉ vì làm việc thâu đêm và quá tải nên sức khỏe dần dần đi xuống, thậm chí là mắc các bệnh nghiêm trọng đến thị giác, tim mạch, dạ dày và xương sống. Họ thậm chí phải nhập viện để điều trị lâu dài. Có thể các bạn chưa hình dung được sức phá hủy nghiêm trọng của việc làm việc quá sức, đến khi thật sự trải nghiệm chúng thì bạn mới biết mức độ nghiêm trọng của nó ra sao.
Khi chúng ta quá bận rộn với công việc, trước hết là về chế độ ăn. Vì lý do quá bận rộn nên chúng ta thường hay gọi đồ ăn ở ngoài về ăn, hay những món đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Nhưng về lâu dài, sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải “đóng thuế” cho bản thân. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể lựa gọn gọi những món ăn ít dầu mỡ, bổ dưỡng hơn là những món có nhiều đường, dầu mỡ và đậm vị. Chúng không hề tốt cho sức khỏe của bạn một chút nào.
Về giấc ngủ, đây là một vấn nạn phổ biến trên toàn thế giới. Khi chúng ta tăng ca làm việc, chúng ta hy sinh giấc ngủ của mình. Nhiều người càng ngủ ít đi, đầu óc không còn tỉnh táo, từ đó tâm trạng và cảm xúc cũng khó kiểm soát và điều chỉnh. Tính tình nóng nảy dễ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Và chúng ta cũng đã biết, một khi mất ngủ thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.
Đừng đợi đến khi sức khỏe yếu đi, những dấu hiệu bệnh tật bắt đầu hiển hiện lên con người bạn thì mới bắt đầu thay đổi. Hãy bắt đầu từ ngay bây giờ.
Cố gắng nghỉ ngơi điều độ, không được thức đêm. Cố gắng ăn uống đúng giờ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, những gì bạn ăn trong nửa năm qua đã tạo nên bạn của bây giờ.
Cố gắng rèn luyện thân thể, kiên trì vận động thể thao. Nếu bạn lười vận động, bạn chính là cái “xác không hồn của chính mình”.
Cố gắng giữ cho tâm trạng vui vẻ. Tâm trạng vui vẻ của bạn chính là khởi đầu cho tất cả mọi điều tốt đẹp.
| Trong công việc, hãy suy nghĩ “vượt hai cấp” để có thể thăng tiến trong sự nghiệp nhanh hơn
Khi đứng ở cấp độ nhân viên, chúng ta thường chỉ nhìn nhận sự việc trên lập trường của chính mình. Từ đó, kết quả thường sẽ rất chủ quan và kém hiệu quả. Tuy nhiên, khi làm việc nếu bạn thay đổi góc nhìn và cách làm việc lại, bạn sẽ thu hoạch được rất nhiều đấy.
Khi làm bất cứ việc gì, hãy suy nghĩ “vượt hai cấp”. Vượt hai cấp có nghĩa là khi ngoài việc đứng trên lập trường và suy nghĩ của chính bản thân, hãy suy nghĩ và đứng trên góc nhìn của sếp trên hay từ khách hàng của bạn để suy nghĩ và hành động. Nếu khách hàng tìm đến bạn để mua quà cho vợ, thì thay vì tư vấn cho riêng “anh chồng” này quà tặng, hãy đứng trên lập trường của người vợ xem cô ấy còn có thể thích món quà tặng nào nữa. Nếu chỉ đứng từ phía khách hàng, thì kết quả chỉ có thể ở mức chấp nhận được. Nhưng nếu bạn suy nghĩ “vượt hai cấp” thì kết quả sẽ vượt qua mong đợi của mình.
Một ví dụ khác, nếu bạn làm việc chỉ đơn thuần cho xong việc và đi về nhà thì không có gì đáng nói cả. Tuy nhiên khi nhận làm một công việc nào đó, hãy suy nghĩ thêm nếu là sếp của mình, họ đang kỳ vọng vào điều gì ở công việc này, họ sẽ chú trọng điều gì, và họ sẽ làm như thế nào để hoàn thành công việc nhanh hơn mà không mất quá nhiều thời gian và sức lực. Hay nói cách khác, hãy suy nghĩ trên nhiều khía cạnh và góc nhìn để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
| Áp lực đến mấy cũng phải ăn nói cho đàng hoàng
Trong cuộc sống, sẽ có những thời khắc khó khăn khiến cho bạn khó chịu và không kiểm soát được cảm xúc của mình, dẫn đến có những lúc to tiếng và trút cơn giận lên người khác một cách vô ý. Tuy nhiên, dùng sự áp lực để công kích và trút giận lên người đối phương là một chuyện không chấp nhận được.
Mình từng gặp rất nhiều trường hợp, mặc dù đó không phải là chuyện của mình tuy nhiên người khác lại “giận cá chém thớt” tỏ vẻ khó chịu và cáu gắt với mình một cách vô cớ. Sau đó, mình và những người đó dần dần xa cách và mối quan hệ cũng không còn như lúc xưa nữa. Chỉ vì họ không tôn trọng mình nên mình nghĩ tốt nhất không nên thân thiết với nhau nữa. Một người có khí chất nhất là người có thể kiểm soát hành vi và cảm xúc của mình cho dù có áp lực hay nóng giận đến đâu đi chăng nữa. Mình rất nể phục những người cho dù có khó chịu đến đâu, họ vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh và nói những lời tử tế với nhau.
Người khác không phải là bia đỡ đạn của bạn để mỗi khi bạn áp lực và có quyền sát thương họ. Dù có áp lực đến đâu cũng phải biết tiết chế và điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Biết điều chỉnh và phân tán cơn giận và sự áp lực của mình luôn là một giải pháp hay nhất. Bạn sẽ khó để thu dọn tàn cuộc nếu vô tình trong cơn giận bạn làm tổn thương một ai, e rằng mối quan hệ sau đó bạn khó lòng mà cứu vớt. Khi tức giận, hãy suy nghĩ đến hậu quả của việc đó trước khi bạn bắt đầu phát tiết cảm xúc của mình. Dù sao, bạn xinh đẹp đến thế, hà cớ gì phải tức giận cơ chứ.
Lời kết
Một người có trách nhiệm với cuộc sống của mình là người có thể giành quyền chủ động trong cuộc sống. Họ không sống bị động, mà biết hoàn thiện chính mình và liên tục cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của mình một cách phong phú và tốt nhất. Chỉ khi bạn thay đổi thái độ, cuộc đời bạn sẽ rực rỡ hơn.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy
Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy
Leave a comment
Your email address will not be published.