"Đốt Lò Hương Cũ": Giai Thoại Về Những Nhà Văn, Nhà Thơ Nổi Tiếng Ở Nước Nam
| Sách Tiếng Việt
Nếu bạn là một người yêu văn học Việt Nam chắc hẳn bạn không thể bỏ qua tác phẩm Đốt lò hương cũ của tác giả Đinh Hùng. Quyển sách này sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện thú vị trong cuộc sống văn nghệ muôn vàn hình thái của các nhà văn, nhà thơ trước và sau Cách mạng tháng 8. Những câu chuyện bên lề văn chương của các tác giả thường rất thú vị, tác phẩm cũng là sự hoài niệm của tác giả dành cho những người tiền bối văn chương của mình. Đốt lò hương cũ sẽ mang đến cho ta một thế giới của những người thi sĩ vĩ đại đã làm nên văn học Việt của thế kỉ 20.
-
Đôi nét về tác giả Đinh Hùng
Tác giả Đinh Hùng sinh năm 1920 và mất năm 1967. Ông là người con của mảnh đất Hà Đông, Hà Nội. Với bút danh là Thần Đăng, Hoài Điệp, Thứ Lang, ông đã ra mắt một số tập thơ như Đám ma tôi, Đường vào tình sử ( tác phẩm đã được trao giải thưởng văn chương về thi ca năm 1962 ),...Ngoài thơ, ông còn viết tiểu thuyết như Dạ lan hương, lập ra nhật báo Tự Do năm 1954, và nổi tiếng với mục Tạo Đàn trên Đài phát thanh Sài Gòn năm 1955, giai phẩm Dạ Đài và Kinh Đô văn nghệ. Tác phẩm Đốt lò hương cũ được xem là tác phẩm cuối cùng của tác giả Đinh Hùng, ông viết để tưởng niệm những văn sĩ, thi sĩ mà ông quen biết, vì đời họ đã lăn lộn trong sự nghiệp thi văn. Tác giả Đinh Hùng đã lý giải rằng ngoài những công trình sáng tác của các tác giả, cuộc sống hiện thực của các tác giả cũng là một tác phẩm đáng kể, vì đó là những cuộc sống đầy sinh động, biến chuyển không ngừng, và còn có những bất ngờ. Như thể chính những tác phẩm của tác giả cũng hoà hợp với cuộc sống thực của họ.
-
Kỉ niệm với Thạch Lam
Những ngày đầu khi nhà thơ Đinh Hùng mới đặt chân đến làng thơ, khi chỉ mới góp được mười bài thơ đăng báo, cùng ít truyện ngắn và tùy bút. Nhưng bất ngờ thay nhà văn Thạch Lam đã tìm đến một cách đầy bất ngờ, sau một buổi gặp gỡ đầu tiên, họ đã nhanh chóng trở nên thân thiết. Căn nhà ở Thạch Lam ở khúc đầu làng Yên Phụ, soi bóng xuống Hồ Tây, được tác giả miêu tả rằng đây là một căn nhà mái tranh, cổng gỗ, giữ được nguyên vẻ thanh bạch cổ sơ, tuy nhà tranh nhưng sáng sủa, gọn gàng, được tác giả gọi là " ngôi nhà lịch sử ". Và những lần tụ họp ở nhà Thạch Lam là quanh mâm rượu, tổ tôm, hay khay trà. Đó là những bữa rượu của những người thi, văn sĩ nổi tiếng bấy giờ như Nhất Linh, Thế Lữ, Huyền Kiêu, nữ kịch sĩ Song Kim. Còn có lần sau khi uống rượu thì tác giả Đinh Hùng và Nhất Linh cùng thi bơi ở Hồ Tây, còn Thạch Lam và Huyền Kiêu đứng dưới gốc liễu nâng cao ly rượu đổ xuống hồ như một phần thưởng cho người về nhất.
-
Câu chuyện khi nói đến Tây Đoan
Đó là câu chuyện vào đêm giao thừa năm nọ Xuân Diệu và Huy Cận về ăn tất niên ở Cẩm Giàng, quê của Thạch Lam. Hai chàng thi sĩ ngồi thức trắng đêm bên cạnh nồi bánh chưng, rồi khi bánh chín, Xuân Diệu đã ăn hết 4 cái bánh chưng lớn còn nóng hổi.Tác giả đã viết rằng thành tích " ăn " đó có thể coi là kỉ lục xuất chúng ở vào thời đã khuất bóng cụ Lê Như Hổ.
-
Nhớ tới Vũ Trọng Phụng
Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực có sức ảnh hưởng thời đó. Theo như tác giả Đinh Hùng kể ngày ông và những người bạn còn đang ở độ tuổi 15, tác phẩm Giông tố của Vũ Trọng Phụng đã đến và xâm chiếm họ một cách toàn vẹn. Rồi sau đó là tiểu thuyết Số đỏ, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã hoà vào đời thực. Những nhân vật trong Số đỏ có là một sản phẩm có nhãn hiệu độc quyền của Vũ Trọng Phụng nên dù trải qua thời gian bao lâu vẫn không bị lãng quên và mất đi giá trị. Từng cá tính của mỗi nhân vật trong tác phẩm ấy đã trở nên bất hủ. Nhà văn Vũ Trọng Phụng có thể đã ra đi nhưng vẫn sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta. Vũ Trọng Phụng hay những nhà văn khác dù đã yểu mệnh từ giã cõi đời nhưng họ vẫn sống mãi trong tinh thần chung của dân tộc.
-
Phan Bội Châu - Nhà thơ cách mạng thuần túy
Vào cuối tháng 10 năm 1940, tại kinh thành Huế nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu đã trút hơi thở cuối cùng. Theo nhà văn Đinh Hùng, dù nằm trên giường bệnh nhà thi sĩ cách mạng vẫn không nhụt chí đấu tranh. Làm cách mạng đối với Phan Bội Châu cũng như khi làm một bài thơ. Cũng sống động, hào hùng, có trầm có bổng. Thể hiện một nhân sinh quan hùng hậu lãng mạn, một tình thần cách mạng nhiệt thành của nhà chí sĩ. Dù biết bao lần phải chịu cảnh vào tù, ra khám, thử thách phũ phàng nhưng người chí sĩ cách mạng ấy vẫn không nản lòng mà vẫn ung dung bước tiếp. Cụ Phan Bội Châu - một người thi sĩ " phòng lưu hào kiệt ", một triết nhân hiền giả vượt lên vì ý nghĩa cao đẹp.
Tóm tắt bởi: Bảo Ngọc - Bookademy
Hình ảnh: Yến Phương
Leave a comment
Your email address will not be published.