“Con Đường Tơ Lụa: Vạn Dặm Xa Từ Pakistan Đến Tây An”: Tiếng Gọi Từ Trường An

Con đường tơ lụa luôn là mục tiêu mơ ước của không ít người đam mê xê dịch và khám phá thế giới. Tại sao à? Vì đó là cầu nối hai nền văn minh Đông - Tây, trước kia từng phát triển rực rỡ, để lại nhiều thành tựu to lớn đến ngày nay. 

Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An tuy không phải là hành trình trên toàn bộ hệ thống thông thương vĩ đại này, nhưng lại là chặng đầy mạo hiểm mà hiếm người dám lựa chọn. 

“Tôi ham mê tìm hiểu những nền văn minh vĩ đại, những con đường giao thương làm thay đổi lịch sử. Giữa vô vàn những minh chứng của quá khứ, tôi đặc biệt ấn tượng và háo hức với con đường tơ lụa.” 

Tác giả Trần Hồng Ngọc hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, thích đi đây đi đó trải nghiệm và thực hiện ước mơ tìm đến nhiều chân trời mới mẻ. Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An là cuốn sách đầu tay của Trần Hồng Ngọc, trước đó cô được nhiều bạn trẻ biết đến qua web cá nhân, chuyên chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc sau mỗi chuyến đi. 

Để tìm về điểm xuất phát là thành Trường An cổ xưa, tác giả và nhóm bạn đã băng qua thời tiết khắc nghiệt lẫn địa hình phức tạp. Khoan nói về khoảng cách địa lý, khó khăn mà cô gái trẻ phải đón nhận là hàng loạt tin tức về các vùng chính sự bất ổn trong lịch trình. Song, không có gì ngăn được bước chân của tác giả Trần Hồng Ngọc, nhất là với kinh nghiệm du lịch dày dặn và khao khát chạm tới nền văn minh vĩ đại. Còn cố đô Trường An lúc nào cũng phát ra tiếng gọi mê hoặc, tạo thêm động lực cho các lữ khách. 

Hành trình tìm về khởi điểm con đường tơ lụa xuất phát từ Pakistan với tổng cộng tám chặng đường, có thể tóm gọn thành hai phần: từ Pakistan đến Tây Vực và từ Đôn Hoàng về Tây An. 

 

 

Từ Pakistan đến Tây Vực

Đoàn lữ hành gồm 11 người cả nữ lẫn nam, đến Pakistan bằng đường hàng không và gặp vấn đề đầu tiên khi quá cảnh tại Thái Lan. Điều này cho thấy tính chất mạo hiểm của chuyến đi, vì đây là lộ trình hiếm người nào chọn để khám phá con đường tơ lụa. Nhưng ngay sau đó, đất nước luôn xuất hiện trong bản tin thời sự là Pakistan lại xuất hiện với thái độ hết sức dễ chịu và thoải mái.

Sau một vòng dạo quanh thủ đô Islamabad, tác giả trầm trồ không ngớt về cách pha trộn độc đáo kiến trúc Hồi giáo giữa truyền thống và hiện đại. Trên đường rất nhiều phương tiện như rickshaw, xe buýt, taxi, có điều di chuyển rất mực quy củ và tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng tắc đường.

Với khoảng 95% dân số là tín đồ Hồi giáo, đó cũng là quốc giáo của Pakistan. Con đường mà nhóm của tác giả chọn để thả mình theo dòng chảy của những thương nhân trong lịch sử là đường cao tốc Karakoram, được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 8” của nhân loại. Chia tay thủ đô Islamabad, những lữ khách đi ngang địa phận Abbottabad, nơi trùm khủng bố Bin Laden bị quân đội Mỹ tiêu diệt, sau đó tiến vào thung lũng Hunza. 

“Người dân Abbottabad không hằm hè, khó gần, trái lại còn rất thân thiện. Mặc dù cả nhóm chúng tôi là những người xa lạ, chủ sạp hàng trái cây cũng chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Anh cơ bản, nhưng anh ta vẫn bán hàng với giá như người Pakistan mua, thậm chí còn dúi cho tôi thêm vài quả.”

Trần Hồng Ngọc đã thông tin đôi nét về công trình cao tốc đồ sộ Karakoram: đó là một trong số những cung đường trải nhựa cao nhất thế giới (4700 mét so với mực nước biển), tổng chiều dài gần 1300 cây số, khởi điểm từ Islamabad, kết nối nhiều vùng và kết thúc ở Kashgar thuộc Tân Cương, Trung Quốc. Karakoram được liệt vào nhóm các dự án kỹ thuật táo bạo mà con người từng thực hiện. Hàng ngàn nhân lực được sử dụng để xẻ các hẻm núi dọc theo sông Ấn và hoàn thành sau 20 năm thi công. Bánh Naan và trà Chai được phục vụ hai bên đường, văn hoá uống trà của người Pakistan thịnh hành tới mức họ thoải mái uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Theo đánh giá của người viết, trà Chai ở Pakistan thơm và ít ngọt hơn so với ở Ấn Độ.

“Cao tốc Karakoram không chỉ hoành tráng và dữ dội trong khi xây dựng, mà còn lưu giữ khá nhiều dấu tích của con đường tơ lụa cổ đại.”

Cuộc sống đơn sơ tới mức khó tin là điều khiến tác giả phải thốt lên khi đặt chân đến Hunza. Đó là vùng thung lũng phía bắc Pakistan, giáp với Afghanistan. Cư dân còn nghèo và lạc hậu, đến mức phụ nữ vẫn chưa biết về băng vệ sinh. Cuộc sống hiện đại và những tiện nghi tân thời cũng chưa tiếp cận được Hunza, ngoại trừ vài khu vực có wifi chủ yếu phục vụ khách du lịch. 

Tuy điều kiện sống không bì được với thế giới, trong khi đó tri thức ở Hunza lại rất được chú trọng. Từ trẻ con, thanh niên hay người lớn tuổi đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tỷ lệ biết chữ của vùng này cũng thuộc hàng đầu Pakistan. 

Để vào được lãnh thổ Trung Hoa, đoàn du khách phải thực hiện quá trình nhập cảnh rối ren hàng giờ đồng hồ ở cửa khẩu cao nhất thế giới. Trong khi với Pakistan, ngoài nhập cảnh dễ dàng thì việc đưa tiễn đoàn người ngoại quốc cũng tận tình và nhanh nhẹn không kém. Vào được Tân Cương cũng là vào nơi có nhiều điểm dừng chân quan trọng trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa bằng con đường tơ lụa, chẳng hạn như Tashkurgan, Kashgar, Khâu Từ.

Vượt ra khỏi phạm vi Trung Đông với nơm nớp lo sợ, đời sống và con người bắt đầu bước vào yên bình, giản dị. Xen kẽ các dãy phố cổ kính là nét hiện đại với nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Màu đỏ đặc trưng cũng hiện diện xuyên suốt những vùng đất Tây Vực bên cạnh các mặt hàng truyền thống như thảm, các loại hạt và trái cây khô. 

Tác giả đã ghé thăm khu lăng mộ nhà truyền giáo Afaq Khoja, hay còn được biết đến với tên gọi lăng mộ Hương Phi. Trong các tác phẩm phim ảnh, Hương Phi có lẽ rất quen thuộc với nhiều độc giả. 

“Tôi thầm nghĩ, trí tuệ của người cổ đại thật khiến chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu, họ luôn tìm ra cách để chế ngự và chiến thắng nó.” 

Trước khi vào Đôn Hoàng, tác giả phải đi qua bồn địa Turpan - nơi nóng nhất Trung Quốc và là một trong những thành phố đa sắc tộc đầu tiên trên thế giới. Cùng với các tiểu vương quốc khác trong sa mạc Gobi, Turpan cổ xưa đã tan biến vào cát bụi, bị thời gian cuốn đi tất thảy tinh hoa rực rỡ. Trần Hồng Ngọc so sánh thuở vàng son ngắn ngủi đó như pháo hoa, sáng bừng lên trong vài khoảnh khắc rồi lụi tàn và mất hút không thương tiếc. 

 

 

Từ Đôn Hoàng về Tây An

Bất luận các thương nhân đi về phía nào trên con đường tơ lụa đều phải qua Đôn Hoàng, do vậy có một kết luận rằng mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng. Trung Hoa xem đây là kho lưu trữ văn hoá và nghệ thuật sôi động, mang màu sắc pha trộn giữa nhiều tôn giáo. Trong đó, được thế giới quan tâm nhất là hệ thống hang đá Phật giáo Mạc Cao. Công trình vĩ đại này được tạo ra bởi bàn tay của những con người bình thường không có gì ngoài tình yêu mãnh liệt dành cho đức tin của mình. 

“Cuộc gặp gỡ sôi động của các nền văn hoá này đã tạo ra vô số những báu vật nghệ thuật ở nhiều địa điểm khác nhau dọc theo con đường tơ lụa, đặc biệt là tại những thị trấn nơi các nhà sư Phật giáo dừng chân.” 

Mỗi bức tranh ở Mạc Cao đều ẩn chứa nét sống động, tài năng và trí tuệ, giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của con đường tơ lụa. Nơi này còn nổi tiếng bởi địa hình đặc trưng sa mạc và các khu vực hẻo lánh không một bóng người. 

“Vùng đất này từng là trung tâm thương mại quan trọng trong triều đại nhà Tùy và nhà Đường. Đại sư Huyền Trang và Marco Polo đều đã từng dừng chân ở đây.” 

Chặng cuối cùng trước khi đến được Tây An, nhóm của tác giả ghé thăm Trương Dịch, địa danh có núi Cầu Vồng. Tác giả bày ra trước mắt người đọc bữa tiệc màu mè sặc sỡ, từ đó khẳng định tài năng thiên biến vạn hoá của tự nhiên là bất tận. 

Rời khỏi Trương Dịch, cố đô Trường An cuối cùng cũng dang rộng vòng tay như thể chào đón những thương gia trong quá khứ. Vượt vạn dặm đường xa xôi, thu thập cho mình những trải nghiệm không gì sánh bằng và chống chọi các tình huống toát mồ hôi, điểm khởi đầu của con đường tơ lụa cũng là nơi dừng chân cuối cùng của Trần Hồng Ngọc trong chuyến đi này. 

Trường An từng là kinh đô hưng thịnh của 13 triều đại lịch sử Trung Hoa, nổi bật có thể kể đến nhà Hán và nhà Đường. Ngoài sử sách, nơi này còn được phục dựng hết sức hoành tráng trong các phim ảnh đình đám. Trước đây, Trường An cũng được liệt kê trong nhóm bốn kinh đô vĩ đại của thế giới, cùng với Cairo, Rome và Athens. Phóng trí tưởng tượng theo ngôn từ của tác giả, có thể hình dung ra từng đoàn người với đủ quốc tịch, trang phục lạ mắt và lạc đà chất đầy hàng hoá tấp nập qua lại, khắp nơi tràn ngập tiếng cười nói, trả giá mua bán, âm nhạc. Toàn bộ những hình ảnh đó tạo nên bức tranh cuộc sống đầy thú vị, hơi thở của Tây An còn phảng phất vô vàn khí phách oai hùng từ lịch sử. 

 

 

Tiếng gọi từ Trường An (cảm nhận sau khi đọc)

Kỹ thuật nuôi tằm lấy tơ đã xuất hiện từ hơn 1000 năm trước công nguyên và được gìn giữ kín đáo như bí mật quốc gia. Các chính phủ phong kiến Trung Hoa đã bảo vệ nghiêm ngặt bí quyết này trong suốt hơn 20 thế kỷ tiếp theo. Tương truyền rằng ai bị phát hiện đã tiết lộ quy trình sản xuất lụa cho người ngoại quốc sẽ bị xử tử ngay lập tức. 

Lý do tơ lụa trở thành hàng hoá được ưa chuộng không có gì khó hiểu, lúc bấy giờ trang phục thông thường nếu không làm từ da thuộc nặng nề thì cũng từ các loại len sợi thô ráp. Một khi khoác lụa lên người sẽ thấy mát mẻ, nhẹ nhõm và làn da như được mơn trớn một cách mềm mại. Lụa đã mê hoặc bất cứ ai từng cảm nhận nó. Nếu dựa vào những yếu tố đó để so sánh với các sản phẩm khác, thì tuyến thông thương huyết mạch nối hai châu lục mang tên con đường tơ lụa cũng là hiển nhiên. 

Con đường tơ lụa ra đời dựa trên cơ sở hai chuyến đi sứ của Trương Khiên vào thời Hán Vũ Đế, gắn kết đại lục với Tây Á, Trung Á, Ấn Độ và một phần Địa Trung Hải. Ngày nay, tượng đồng Trương Khiên vẫn đứng sừng sững ở Tây An, như nhắc nhở hậu thế về công lao của ông. 

Ngoài lụa ra, một thứ hàng hoá mà không thể chạm bằng tay hay mặc lên người nhưng đóng vai trò giúp nhân loại thoát khỏi nông cạn, đó chính là văn minh. Con đường tơ lụa trước khi rơi vào thời kỳ dài bị quên lãng, đã lao động cực lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển giao học thức, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo của mình. 

Những trang tóm tắt sự hình thành, quá trình hoạt động, cho đến nguyên do lụi tàn của con đường tơ lụa ở cuối cuốn sách đã phần nào giúp người đọc hiểu và hứng thú hơn với hành trình của tác giả. 

Không có chút nào tương đồng với sự lộn xộn mà nhiều người hay hình dung về Pakistan, tác giả miêu tả nơi này đông người qua lại, quang cảnh bình yên, đường sá rộng lớn, sạch sẽ và nhiều cây xanh. Các tòa nhà cao tầng là nơi đặt văn phòng làm việc với trung tâm thương mại sang trọng, hào nhoáng, xung quanh còn có công viên giải trí. Hơn nữa, người dân không khó gần như vẻ ngoài bặm trợn, lạnh lùng mà chúng ta thường thấy, ngược lại cực kỳ thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ những vị khách Việt Nam.

Trà cũng gắn liền với đời sống xã hội Pakistan như nhiều nơi khác trên thế giới. Tới mức trong quyển Ba tách trà của Greg Mortenson có viết: “..., và với tách thứ ba, anh nhập vào gia đình chúng tôi, và với gia đình mình, chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì - kể cả bỏ mạng.” Tác giả Trần Hồng Ngọc không khó để hiểu điều đó qua nếp sống cư dân trải dài hai bên đường đi. 

Các tín đồ Hồi giáo ở thung lũng Hunza theo dòng Shia nên phụ nữ không phải mang khăn che mặt hay nấp mình trong trang phục đen từ đầu đến chân. Ngược lại, lời kể của người viết cho thấy quần áo của họ tươi tắn, nhiều màu nổi bật. Họ đối với người nước ngoài bằng thái độ hiếu khách, tính tình dễ mến và cởi mở. Trẻ con cũng rất đáng yêu, má đỏ hây hây, tóc nâu, da bánh mật, tác giả đặc biệt ấn tượng với đôi mắt sâu thẳm của chúng. Hunza dưới ngòi bút của Trần Hồng Ngọc đưa người đọc đắm chìm phiêu lãng trong không gian thiên nhiên của núi non, cây cối và ánh nắng ngọt như rót mật. 

Có một điểm tương đồng: cao tốc Karakoram ngày nay đang mang trên mình nhiệm vụ tương tự con đường tơ lụa năm xưa. Trải dài qua nhiều vùng đất, tác giả và những người đồng hành nhận thấy văn hoá, con người và ẩm thực thể hiện rõ nét ở mỗi xứ sở. 

Càng tiến sâu vào lãnh thổ Trung Hoa, mỗi nơi đoàn người Việt Nam đi qua đều đại diện cho sự văn minh, giàu có, phồn hoa lẫy lừng trong quá khứ. Ngày nay, dù còn rất ít những khu chợ nhộn nhịp hay các mặt hàng đắt tiền, song cư dân sinh sống vẫn hội tụ đủ các tộc người như Uzbek, Tajik, Duy Ngô Nhĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù không phải thời kỳ hoàng kim ngàn năm về trước, dựa vào dòng văn của tác giả cũng có thể mường tượng sự phồn vinh, hội nhập và sung túc của con đường tơ lụa và vùng Tây Vực. Người đọc cũng không khỏi khắc khoải khi biết những bản sắc cổ xưa đang phai mờ từng ngày một, thay vào đó là nhịp sống tân tiến. Những dân tộc đầy niềm thương cảm đang kiên trì gìn giữ truyền thống riêng của mình, đồng thời vật lộn để giữ mình không bị hoà tan với sự xâm nhập của thời đại. 

Không khó để tìm kiếm hình ảnh về núi Cầu Vồng trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Trước khi đọc Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, có lẽ nhiều người cho rằng những vệt màu lăn dài trên núi đá là do kỹ thuật chỉnh sửa ảnh quá mức. Cho đến khi đọc những miêu tả lồng vào vẻ ngạc nhiên của tác giả mới biết đó hoàn toàn là tuyệt tác hiện hữu ở đời thực.  

Lần theo bước chân tác giả, không khó để mơ về những đoàn người trên lưng lạc đà, mang theo lỉnh kỉnh hàng hoá bước đi lầm lũi trên sa mạc bao la. Trường An mấy ngàn năm tuổi trong mắt người viết như một lão nhân dày dặn kinh nghiệm, có tài sản khổng lồ là các di tích giá trị. Dù thời kỳ cực thịnh đã lùi vào sâu trong dòng chảy thời gian, Tây An ngày nay vẫn giữ nguyên vẻ bề thế mà ai đứng trước nó đều phải ngỡ ngàng. 

Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An khép lại với ước mơ còn dang dở của tác giả. Mỗi địa danh mà đoàn lữ hành đi qua ẩn chứa đầy ắp chất liệu của con đường tơ lụa, cùng những mẩu chuyện quá khứ còn vang vọng bất chấp sự thăng tiến của thời gian. 

Lật từng trang sách, toàn bộ khó khăn mà tác giả gặp phải dần trở nên mờ nhạt trước niềm phấn khích mà ai thoả mãn đam mê đều cảm nhận được. Sau mỗi chặng đường, các thông tin chi tiết về lịch trình, hướng dẫn di chuyển và mẹo cho du khác đã thể hiện sự tận tâm mà Trần Hồng Ngọc đặt vào cuốn sách này. Hình ảnh xen kẽ giữa mỗi chương là yếu tố chân thực nhất về văn hoá cũng như con người ở nhiều xứ sở từ Tây sang Đông trên con đường tơ lụa. Ngoài ra, bộ postcard tặng kèm sách cũng là cách để lưu giữ cảm nhận của người đọc và đánh dấu mỗi chặng đường tác giả đi qua. 

Mỗi một chuyến đi kết thúc, mỗi quyển sách du ký khép lại, là mỗi lần nhận ra bản thân chỉ nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc.

--------------------------------------------------

Tóm tắt bởi: Anh Thư - Bookademy

Hình ảnh: Anh Thư

Leave a comment

Your Name *

Email address *

Message

Please note, comments must be approved before they are published.