“Bóng Người Trên Cát”: Theo Dấu Đại Sư Huyền Trang

Nếu mọi người mặc định tác giả một quyển sách tập trung mô tả về văn hoá, tôn giáo và lịch sử không thể nào là một người học chuyên khoa tự nhiên, thì tác giả của Bóng người trên cát sẽ chứng minh điều ngược lại. Tác giả Nhi Phan hiện đang là giảng viên khoa Toán - Tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, song việc viết lách đã cho thấy vốn kiến thức khoa học xã hội của cô vô cùng phong phú. 

Bóng người trên cát không đơn thuần là cuốn sách du ký, bằng lối kể chuyện dung dị và những trải nghiệm lôi cuốn, tác giả đã tái hiện đầy sống động hành trình của Đường Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ vào thế kỷ VII. 

“Những nơi tôi qua đều mang đậm dấu ấn của nhiều anh hùng, thánh tăng, các nhà du thám lừng danh qua từng thời đại, chỉ tiếc tri thức và thời gian nghiên cứu có hạn nên tôi chỉ có thể ghi nhận được một số thông tin liên quan đến cuộc hành trình theo dấu chân ngài Huyền Trang.” 

Cả ba phần trong Bóng người trên cát sẽ đưa độc giả tìm hiểu những nét văn hoá đặc sắc, sự thay đổi tôn giáo, giá trị lịch sử và vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn con người trên các vùng đất mà đại sư Huyền Trang từng qua. 


Phần I: Hành hương trên đất Phật 

Kathmandu (thủ đô của Nepal) trong chuyến lữ hành của người viết chỉ đơn giản là trạm dừng chân trước khi vào Lumbini. Cuộc hành trình vừa mới bắt đầu, tác giả Nhi Phan đã bất chợt cảm thấy thư thái khi giao tiếp với dân bản địa chân chất và tốt bụng. 

Lumbini cách Kathmandu hơn mười tiếng ngồi xe buýt, là thành phố nhỏ nằm ở rìa biên giới Nepal, sát một thị trận khác của Ấn Độ. Tác giả quyết định xin tá túc ở chùa Việt Nam, thuộc quần thể các ngôi chùa quốc tế ngay tại thánh địa Lumbini. 

Cách nơi Đức Phật đản sanh chưa đầy ba mươi cây số, tác giả cũng viếng thăm Kapilavastu, nơi thái tử Siddhartha sinh sống trước khi chọn đi theo con đường tu tập. Nhi Phan còn thông tin thêm, khi Huyền Trang đến đây đã là hơn 1000 năm thời Đức Phật tại thế, trải qua vô vàn binh biến, Kapilavastu chỉ còn lại tường đổ thành hoang. 

“Sự thay đổi quá lớn của Kapilavastu từ kinh đô rực rỡ thành vùng đất hoang phế với những người dân bần hàn, lam lũ và đám trẻ con ít học mờ mịt tương lai đã khiến du khách phải chạnh lòng.” 

Giọng văn đầy thương cảm của tác giả khiến người đọc đồng cảm và không thể tin rằng xứ sở một thời thịnh vượng, nay không chỉ hoang tàn mà cư dân còn cơ cực. 

Lại mất thêm mười tiếng, kể cả ngồi xe trên địa hình không mấy bằng phẳng và làm thủ tục nhập cảnh Ấn Độ, điểm dừng chân tiếp theo là Kushinagar - nơi Đức Phật nhập diệt. Điều đáng chú ý ở phần này là tác giả đã phân tích sự khác biệt và cho thấy nhiều sự nhầm lẫn phổ biến giữa cây Sala và cây Ngọc Kỳ Lân. 

Chuyến đi theo dấu đại sư Huyền Trang đến với Varanasi. Nhà văn Mark Twain đã miêu tả thành cổ Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn huyền thoại, và tuổi của nó bằng gấp đôi tất cả những thứ đó cộng lại. Chuyến ghé thăm Varanasi để lại trong lòng tác giả những trải nghiệm đáng nhớ. 

“Dù sáng hay chiều, ngày hay đêm, những sinh hoạt đời thường hay hoạt động tâm linh đều diễn ra đều đặn: dưới sống, những người dân tắm, giặt; trên các ghat, vài người ngồi thiền, một số khác cầu nguyện, có người tập thể dục, có người ngồi ngắm sống thư giãn.” 

Phần sông Hằng ở Varanasi được coi là linh thiêng bậc nhất, cũng là nơi mà trong mắt người viết thì sự sống và cái chết chỉ cách nhau bởi một bức màng mỏng, có thể dễ dàng chạm vào. 

Di chỉ Phật giáo trọng điểm ở Varanasi chính là Sarnath, khu vườn nai Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo. Tác giả không khỏi bồi hồi khi chiêm bái nơi ghi dấu sự ra đời của Phật giáo sau hơn 25 thế kỷ. Cách đó hơn 200 cây số, Nhi Phan đương nhiên không thể bỏ qua địa điểm cuối cùng trong tứ động tâm - Bodhgaya, đây cũng là thánh tích Phật giáo được chăm sóc và bảo vệ nhiều nhất trong suốt từ đầu chuyến đi đến giờ. 

Trong các chuyến đi, ngoài danh lam thăng cảnh ra thì ẩm thực là một yếu tố không thể vắng mặt. Toạ lạc bên bờ Nam sông Hằng, Patna hay còn được biết đến với tên gọi Hoa Thị Thành , là nơi tác giả tận hưởng chút niềm hạnh phúc giản đơn với bữa ăn tối đậm chất Hồi giáo. 

“Đây cũng là nhà hàng duy nhất trên những chặng đường tôi qua ở Ấn Độ đem tăm xỉa răng vừa lúc khách dùng xong bữa mà không đợi nhắc. Ở các nơi khác nhau, chúng tôi có những trải nghiệm khác nhau về tăm xỉa răng.” 

Trước khi rời Ấn Độ rộng lớn, tác giả cũng dành thời gian đắm chìm trong sự tĩnh lặng của thiên nhiên còn phảng phất sự huy hoàng từ lịch sử của thành Vương Xá. Điểm dừng chân cuối cùng tại quốc gia có đến hàng triệu vị thần này là Nalanda, nơi được biết đến với khu trường đại học Phật giáo lừng danh mà ngài Huyền Trang từng lưu lại suốt quá trình bồi dưỡng kiến thức và biên dịch kinh sách. 

 


Phần II: Hành trình Kyrgyzstan - Uzbekistan 

Năm xưa, khi ngài Huyền Trang  vượt Thiên Sơn, đã đến bờ Nam của hồ Issyk Kul, tác giả Nhi Phan gọi ưu ái gọi nơi này là “viên ngọc trai vùng Trung Á”. Điều đặc biệt là dù mùa đông nơi này mọi vật đều đông cứng, nhưng vì hàm lượng muối cao nên mặt nước hồ Issyk Kul không bao giờ biến thành băng. Tác giả cũng thông tin thêm, hồ còn có tên gọi khác là Nhiệt Hải, tức là biển nóng, hơn nữa người dân gọi là biển vì nước mặn thay vì gọi là hồ. 

“Tôi nhìn những dãy núi ngập trong tuyết trắng, thoáng rùng mình tưởng tượng cảnh đoàn người cùng ngài Huyền Trang vượt núi. Tất cả lần dò từng bước giữa núi đồi hiểm trở, đu người qua những vách đá dựng đứng, trơn trượt bị mây mờ che lối, phải treo nồi giữa không trung để nấu ăn do không nơi nào khô ráo,...” 

Thời điểm tác giả đến đây là đầu mùa đông, cơn mưa rả rích không cản được ước muốn chiêm ngưỡng hồ Issyk Kul mà còn tăng thêm vẻ đẹp của bức tranh do thiên nhiên tạo tác. 

Nơi đầu tiên khi tiến vào lãnh thổ Uzbekistan của Nhi Phan là Tashkent, cũng chính là nước Giả Thời trong quá khứ. Dù không có tình huống nào đặc biệt xảy ra, các ghi chép của Đường Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực ký cũng chỉ mô tả vài dòng vắn tắt về nơi này, không ngờ những thông tin và con người nơi đây để lại trong lòng tác giả Nhi Phan nhiều kỷ niệm đẹp. 

“Tiếc thay, sự thay đổi triều đại kéo theo sự thay đổi tôn giáo nên Phật giáo một lần nữa lại bị thay thế bởi Hồi giáo.” 

Đôi khi, người viết không còn cảm thấy điểm đến là mấu chốt quan trọng của mỗi chặng hành trình, thay vào đó là những khoảnh khắc tuyệt diệu và cảm xúc lắng đọ trên cung đường có thể tìm đến bất cứ lúc nào. 

Một phần không thể tách rời khi đề cập đến việc đi lại của châu Á ngày trước, đó là con đường Tơ lụa. Đó thực tế là một mạng lưới những con đường hội tụ các đoàn thương buôn đến từ nhiều nơi và phân nhánh dẫn đến các đô thị trọng điểm thời bấy giờ. Hành trình men theo ghi chép của đại sư Huyền Trang đã giúp tác giả tìm hiểu lược sử và quá khứ huy hoàng của con đường Tơ lụa trước khi vượt Thiên Sơn. 

“Nơi này không có ranh giới giữa trời và đất, giữa thực và mơ. Tôi tin rằng dù cuộc hành trình có kết thúc, nó vẫn luôn ở nơi sâu kín trong tâm hồn tôi và chờ đợi ngày tôi trở lại.” 

Tạm biệt những khu vực đầy biến động của chính sự, nơi mà không ai ngờ rằng hàng trăm năm trước đã từng tụng niệm những hồi kinh từ bi nhất. Tác giả đưa người đọc về đến quê hương của ngài Huyền Trang, cũng là tiếp cận một nền văn minh khác. 

 


Phần III: Hành trình Trung Quốc 

“Tôi bất ngờ bởi vẻ hiện đại quyện lẫn với nét cổ kính, tính bộc trực xen lẫn sự tinh ranh, nền văn minh song hành cùng phần hoang dã của thành phố và người dân ốc đảo này.” 

Nằm ở rìa phía Tây của sa mạc Taklamakan, ngay dưới chân núi Thiên Sơn, Kashgar từng là trung tâm giao thương quan trọng giữa phương Đông và phương Tây. Không chỉ đại sư Huyền Trang, nhà du hành Marco Polo cùng từng dừng chân tại đây. 

Một nhận định của ngài Huyền Trang mà tác giả đến nay vẫn cảm nhận không có nhiều thay đổi: cư dân nóng nảy, tính tình thô ráp và việc học tập cũng không mấy phổ biến. Có lẽ những con người bất mãn này không biết làm sao khi đứng giữa văn hoá đặc trưng đang dần mai một và nhà nước Trung Hoa mỗi ngày một tân tiến. 

Tác giả đã tràn đầy ngưỡng mộ kiến trúc tinh tế khi tận mắt thăm thú quần thể di tích Lăng mộ Hương Phi. Có điều, các hình ảnh ở chợ gia súc làm tác giả không mấy hứng thú với món thịt nướng ăn kèm với bánh mì nướng bằng lò truyền thống, thay vào đó cô chọn ăn chay trường trong suốt thời gian này. 

Nơi nóng nhất của Trung Quốc - bồn địa Turpan, bao gồm Hoả Diệm Sơn trong hình dung của tác giả vô cùng rực rỡ. Người xem Tây Du Ký đã quá quen với câu chuyện ba lần mượn quạt ba tiêu của thầy trò Đường Tăng, địa danh này cũng không phải hoàn toàn xa lạ. Có người nói nhờ Ngô Thừa Ân mà Hoả Diệm Sơn được nhiều người biết đến, riêng tác giả Nhi Phan nhờ có Đại Đường Tây Vực ký mà những ghi chép về chuyến đi trong Bóng người trên cát giúp độc giả thẩm thấu hơn về ý nghĩa lịch sử vùng đất này. 

“Có những lúc ta lại lõng, cô đơn trên con đường theo đuổi lý tưởng, nhưng sẽ có lúc ta mỉm cười khi chạm đến trái ngọt đầu tiên sau nhiều vun đắp. Tôi như thấy hằng hà sa số bóng Phật lung linh khắp núi đồi và giữa vùng hoang mạc xa xôi.” 

Đó làm cảm giác lâng lâng khó tả, không của riêng người viết, khi hành trình băng qua Đôn Hoàng rồi vào đến Tây An, nơi có tượng đại sư Huyền Trang và chùa Đại Từ Ân. Tại nơi đây, ngài từng thuyết giảng Phật pháp và chủ trì phiên dịch kinh thư. 

Nhắc đến Tây An là nhắc đến cố đô Trường An vang danh thiên cổ, nơi này từng được 13 triều đại chọn làm kinh thành.  Tây An cũng được ví như Rome của Ý, Athens của Hi Lạp, Cairo của Ai Cập. Ngoài các địa điểm liên quan đến cuộc đời của đại sư Huyền Trang, tác giả cũng tranh thủ tham qua khu mộ Tần Thuỷ Hoàng và khu hầm chứa tượng binh mã dũng. 

Nơi dừng chân cuối cùng trước khi hành trình kết thúc là Lạc Dương, cái tên gắn liền với vị nữ đế duy nhất của nhà Đường - Võ Tắc Thiên. Tuy trước đó tác giả đã bỏ lỡ và tiếc nuối khôn nguôi khi không thể thăm nơi đại sư Huyền Trang trút hơi thở cuối cùng. Nhưng duyên phận lại an bài một sự tình cờ khác, tác giả Nhi Phan có dịp tham quan ngôi nhà Đường Huyền Trang từng sống tại Lạc Dương. 

 


Theo dấu đại sư Huyền Trang (cảm nhận sau khi đọc) 

Thường những nơi chúng ta cho rằng chỉ vô tình đi ghé qua trong lúc trung chuyển sang địa điểm khác, cuối cùng lại trở thành nơi ta ấn tượng khó quên. Kathmandu đã mở đầu cuộc hành trình của Nhi Phan như một dấu son đẹp đẽ, nơi mà chưa kịp rời đi đã muốn sớm quay trở lại. 

Những miêu tả của tác giả trong các chuyến viếng thăm thánh tích thuộc tứ động tâm của Phật giáo đa phần dựa trên ghi chép và lộ trình của đại sư Huyền Trang. Đương nhiên, từ thời Đường đến nay rất nhiều thứ vốn dĩ đã không còn nguyên vẹn, tác giả đã cố tìm trong đất ở Kushinagar nhưng không thấy tro than lẫn vào như thánh tăng miêu tả. Có lẽ, tro bụi một thời không đủ trọng lượng để bám trụ lại khỏi sức cuốn của dòng chảy thời gian. 

Không một khách du lịch hay bất kỳ người nào đến Ấn Độ mà có thể bỏ lỡ sự kiện diễn kiến sông mẹ Hằng Hà, tác giả Bóng người trên cát cũng vậy. Riêng đoạn sông Hằng chảy qua địa phận Varanasi càng là một bản thể đáng tìm hiểu. Sự đa dạng của nơi được mệnh danh là “thành phố đến để chết” này vừa chứng đựng yếu tố tâm linh, vừa mềm mại len lỏi vào tâm tư những lữ khách một cách bí hiểm. 

Những ghi chép nhỏ nhặt nhưng đầy thú vị của tác giả về sự khác biệt văn hoá giữa các vùng trên tiểu lục địa Ấn Độ, làm Bóng người trên cát không hoàn toàn nhuốm màu của những đô thị điêu tàn. Bản thân Nhi Phan cũng vỡ lẽ ra, kỳ thực bang lưu giữ nhiều dấu ấn Phật giáo nhất lại có đời sống xã hội nghèo nhất cả nước. 

Sau khi kết thúc chặng đầu tiên ở hai quốc gia Nepal và Ấn Độ, phải tám tháng sau đó hành trình thứ hai mới tiếp tục diễn ra. Canh cánh trong lòng một sự uỷ thác, Nhi Phan lần này không chỉ lần theo ghi chép của Đường Huyền Trang mà còn thực hiện mong muốn chiêm bái các Phật tích theo tâm nguyện của người dì đang mắc ung thư. 

Ngược dòng lịch sử, tác giả cho biết công cuộc hoằng pháp của vua Asoka không chỉ lan rộng trên khắp lãnh thổ Ấn Độ mà còn diễn ra ở khu vực ngày nay thuộc Uzbekistan, Afghanistan và Pakistan. Với sự hướng dẫn của nhân viên du lịch địa phương, tác giả có dịp nhìn lại các tàn tích trơ trọi không bóng người vì từ lâu tôn giáo của khu vực này đã thay đổi. 

Sau 14 thế kỷ trôi qua, quê hương của đại sư Huyền Trang không chỉ khỏa lấp khát vọng chinh phục của tác giả, mà còn đáp ứng sự tò mò về tính xác thực của chuyến du hành về đất Phật so với phim ảnh truyền hình. Lần lượt các địa danh gắn liền với những cột mốc quan trọng của ngài Huyền Trang thời nhà Đường xuất hiện dưới ngòi bút của tác giả một cách khách quan và chi tiết. Qua từng con chữ, người đọc sẽ phần nào đồng cảm với lòng ngưỡng mộ và biết ơn của tác giả với tư cách một tín đồ Phật giáo. Dù vậy, với cương vị hiện thời là giảng viên khoa học tự nhiên, cách quan sát và dẫn chuyện của người viết không hề nhuốm màu tâm linh, ngược lại mỗi sự kiện và địa điểm đều được lý giải kèm theo trích dẫn từ tư liệu lịch sử. 

Thượng Tọa Thích Từ Nghiêm, Tiến sĩ giáo dục, Phó trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã phát biểu đôi dòng sau khi đọc Bóng người trên cát như vầy: 

“Với một kiến thức uyên bác về Hán học cùng Tây học và Phật học, tác giả đã giúp chúng ta hiểu thêm nhiều về các đất nước mà tác giả đã đi qua, kể cả những nơi không được định trước trong chương trình. “Mọi hành trình đều có những bí mật mà ngay cả lữ khách cũng không thể ngờ tới”, như tác giả đã trích lời của Martin Buber để diễn tả cuộc hành trình của mình.” 

Thiên nhiên, văn hoá, lịch sử và cả những câu chuyện vừa có thực vừa huyền thoại đã cùng nhau dệt nên một kho tàng bí ẩn, khéo léo ngụy trang trong các nền văn minh cổ đại suốt hàng nghìn năm qua. Tất thảy những nơi tác giả Nhi Phan dừng chân, cô không chỉ tìm kiếm hình bóng của đại sư Huyền Trang từ ngày tháng xưa cũ, mà còn hơn thế nữa, cô nghe nhiều câu chuyện, kết giao với những người mà chưa từng nghĩ có ngày sẽ quen biết. Mỗi câu chuyện cô thuật lai trên các chặng đường từ Phật quốc về tận Trường An đều bao hàm ý nghĩa nồng hậu và đầy nhân văn. 

Các vùng đất trong Bóng người trên cát đa phần đều bị thời gian nhuộm xơ xác, không có sự nhộn nhịp hay xô bồ của địa điểm du lịch thường thấy. Nhưng trong tâm khảm của tác giả, sự lâu đời, vẻ cổ kính và quyết tâm chạm tay vào điều mình từng đọc qua, xem qua chính là lời hồi đáp đáng giá vô đối. 

Đan xen kiến thức lịch sử, câu chuyện đời thường của dân bản địa mới quen và khung cảnh gần như vắng vẻ tĩnh mịch chính là hình ảnh của người viết lưu lại xuyên suốt chuyến lữ hành của mình. Văn phong mạch lạc của tác giả Nhi Phan đã dẫn chúng ta vào hoạt động du lịch bằng mắt, qua đó lĩnh hội được nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của các nền văn hoá còn hiện diện cho đến tận ngày nay.

Người viết đã góp vốn đọc, vốn kiến thức và kinh nghiệm sống dày dặn của mình vào công cuộc truyền cảm hứng cho người đang muốn khởi đầu hành trình truy cầu ý nghĩa cuộc sống. 

Bóng người trên cát là thu hoạch đáng kể cho những ai đam mê thể loại du ký, đặc biệt là muốn hiểu hơn về phương Đông vĩ đại nói chung hay chặng đường thỉnh kinh của đại sư Huyền Trang trên con đường Tơ lụa. 

--------------------------------------------------

Tóm tắt bởi: Anh Thư - Bookademy

Hình ảnh: Anh Thư

Leave a comment

Your Name *

Email address *

Message

Please note, comments must be approved before they are published.